Đăng tiêu
Tên gọi khác: Tử uy, đăng tiêu hoa to, lăng tiêu, nữ uy, lan tiêu (tên gọi của người chơi hoa phong lan).Campsis grandiflora (Thunb.) Schum.
Tên khoa học: Bignonia grandiflora Thunb.
Tên đồng nghĩa: Campsis chinensis (Lam.) Voss
Họ: Hoa chùm ớt (Bignoniaceae)
Công dụng: Chữa kinh nguyệt không đều, viêm ruột cấp.
Mô tả
- Dây leo, tán lá luôn xanh. Thân mảnh dài, màu xám hoặc nâu nhạt. Từ thân cây mọc ra những chùm rễ khí sinh lơ lửng để hút hơi nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.
- Lá kép lông chim, mọc đối, gồm 7 – 9 lá chét hình trứng, dài 4 – 7 cm, rộng 2 – 3 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng.
- Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm, hoa 5. 8 màu đỏ da cam; đài nhỏ hình chén; tràng hình phễu thẫm dần về phía mép.
- Quả nang, hạt có cánh mỏng.
- Mùa hoa: tháng 5 – 10.
Phân bố, sinh thái
Chi Campsis Lour. ở nước ta mới biết có 2 loài, đều là cây nhập nội. Loài đăng tiêu trên có nguồn gốc ở vùng Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản), cây được trồng nhiều ở các quốc gia này và hiện du nhập sang nhiều nước khác.
Ở Việt Nam, đăng tiêu được trồng chủ yếu để làm cảnh, rải rác khắp các địa phương.
Bộ phận dùng:
Hoa thu hái lúc ra hoa vào mùa hè hoặc mùa thu, rồi đem phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học
- Tinh dầu hoa có furfuryl alcol và 2 – acetyl furan.
- Lá chứa 2 flavanon disaccharide là naringenin – 7 – O – α – L – rhamnosyl (1 – 4) – rhamnosid và dihydrokaempferol – 3 – α – L – rhamnosido – 5 – O – β – glucosid. [Ram P. Rastogi et al., 1998, Compendium of Indian Medicinal Plants, vol.5 (1990 – 1994), 192].
Tác dụng dược lý
Tác dụng ức chế kết tụ tiểu cầu:
Năm chất triterpenoid pentacyclic là acid oleanolic, hederagenin, acid ursolic, acid tormentic và acid myrianthic được phân lập từ cao methanol của lá đăng tiêu có tác dụng ức chế kết tụ tiểu cầu trên mô hình thí nghiệm.
Tác dụng ức chế enzym cholesterol acyltransferase:
Bốn chất acid maslinic (1), acid corosolic (2), acid 23 – hydroxyursolic và acid arjunolic (4) được chiết xuất từ hoa của cây đăng tiêu có tác dụng ức chế hoạt độ của hACAT – 1. Với nồng độ 100 ng/ml của bốn acid trên, hoạt tính của enzym bị ức chế lần lượt là 46,2+ 1,1; 46,7 + 0,9; 41,5 1,3 và 60,8 + 1,1% so với lô đối chứng không dùng thuốc.
Tác dụng chống oxy hoá:
Cao hoa đăng tiêu còn có tác dụng dọn gốc tự do khá mạnh. Trong thí nghiệm với gốc DPPH (1,1 – diphenyl – 2 – pierylhydrazyl), đã xác định được nồng độ ức chế 50% sự hình thành gốc tự do IC50 = 20 ng/ml. Trên mô hình dọn gốc superoxyd trong hệ xanthin/xanthin Oxydase, đã xác định được nồng độ ức chế 50% hình thành gốc superoxyd IC5o = 52 ug/ml (Cui et al., 2006).
Tác dụng chống viêm:
Trên mô hình viêm cấp gây phù tại chuột bằng cách bôi lên da tại acid arachidonic hoặc 12 – O – tetra – decanoylphorbol – 13 – acetat (TPA), ngay sau đó, cao hoa đăng tiêu cũng được bối lên tại chuột, thấy phù giảm rõ rệt so với lô đối chứng chỉ bôi nước cất (Cui et al., 2006).
Tính vị, công năng
- Hoa đăng tiêu vị ngọt, chua, tính lạnh, có công năng hành huyết, tán ứ huyết, lương huyết, điều hoà kinh nguyệt trừ phong.
- Rễ có công năng hành huyết, tán ứ huyết, tiêu viêm, tiêu sưng phù.
- Lá đăng tiêu vị đắng, tính bình, có công năng lượng huyết, tán ứ.
Ở Trung Quốc, “Bản Kinh” ghi: hoa đăng tiêu vị chua, tính hơi hàn. Sách “Ngô phổ bản thảo” trích các sách “Thần nông”, “Lôi Công”, “Kỳ Bá” ghi vị cay. Sách “Hoàng đế” ghi: vị ngọt, còn sách “Bản thảo bị yếu” ghi: hoa đăng tiêu vị ngọt, chua 1 tính hàn [TDTH, 1996, II: 2195]. Về quy kinh, sách “Cương mục” ghi: nhập kinh thủ túc quyết âm, sách “Lôi Công bào chế dược tính giải” ghi: nhập vào hai kinh can và tỳ; còn sách “Bản thảo tái tân” lại ghi: vào kinh thận [TDTH, 1996, II: 2195).
Công dụng
Hoa đăng tiêu được dùng trị vô kinh, bế kinh, bụng như có hòn cục. Liều dùng mỗi ngày 5 – 10g, có thể sắc, nhưng thường hãm với nước sôi, chia ra nhiều lần uống trong ngày. Dùng luôn 10 ngày, nếu quá ngày hành kinh thường lệ mà kinh không ra, thì dùng tiếp tục. Đang uống, nếu thấy kinh thì ngừng.
Còn được dùng chữa kinh nguyệt không đều, bạch đới, rong kinh, đau vùng thượng vị. Rễ được dùng chữa thấp khớp, viêm dạ dày ruột cấp. Ngày 10 – 30g sắc uống. Dùng ngoài, lấy rễ hoặc lá tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ bị đòn ngã tổn thương, thấp khớp.
Ở Trung Quốc, người ta dùng hoa, tên vị thuốc được gọi là lăng tiêu hoa để chữa phụ nữ có máu kết thành cục, bế kinh, ứ huyết sinh đau, máu nhiệt ra sinh phong. Còn dùng khi phụ nữ đẻ xong bị phù, ngứa ngáy ngoài da, mày đay, mụn trứng cá. Liều dùng mỗi ngày 4 – 12g, sắc nước uống.
Bài thuốc có đăng tiêu
Chữa phụ nữ tắc kinh, vô kinh:
Đăng tiêu hoa, xuyên khung, bạch thược, hồng hoa, mỗi vị 5g; đương quy, thục địa, mỗi vị 10g.
Sắc uống mỗi ngày một thang, một đợt dùng 7 – 10 thang.
Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh:
Đăng tiêu hoa, hoa hồng, mỗi vị 9g, ích mẫu, đan sâm (rễ), mỗi vị 15g, hồng hoa 6g. Sắc nước uống ngày một thang, dùng luôn 7 – 10 thang.
Chữa viêm dạ dày, viêm ruột cấp:
Đăng tiêu rễ 30g, gừng tươi ba lát, sắc nước uống, ngày một thang.
Chú ý: Không được dùng hoa đăng tiêu cho phụ nữ có thai, người mới ốm dậy.