Bông ổi
Tên tiếng Việt: Bông ồi, Nhá khí mu, Cứt lợn, ổi nho, Hoa ngũ sắc, Trâm ổi, Thơm ổi, Bông ổi, Hoa tứ thời, Bông hôi, Mã anh đơn, Nhá khí mu (Tày)
Tên khoa học: Lantana camara L.
Tên đồng nghĩa: Lantana aculeata L.
Họ: Verbenaceae (Cỏ roi ngựa)
Công dụng: Cầm máu, lở loét, sát khuẩn, hàn vết thương (Hoa, lá tán bột rắc). Sốt, quai bị, phong thấp đau xương (Rễ). Ho ra máu, hạ huyết áp (Hoa). Lá chữa viêm da, eczema.
Hình ảnh: cây Bông ổi
- Tên khoa học: Lantana camara L., thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae.
- Tên gọi khác: Ngũ sắc, Tràm hôi, Cây hoa cứt lợn, Tứ thời, Tứ quý (Quảng Bình).
Mô tả cây
Cây nhỏ mang nhiều cành ngang, có lông và gai ngắn quặp về phía dưới. Lá hình bầu dục, đầu nhọn, mặt xù xì, mép có răng cưa, mặt trên có lông ngắn, cứng, mặt dưới lông mềm hơn, phiến lá dài 3-9cm, rộng 3-6cm, cuống lá ngắn, phía trên cuống có dài. Hoa không cuống, màu trắng, vàng, vàng cam hay đỏ mọc thành bông hình cầu gần giống như hình đầu. Hoa có lá bắc hình mũi giáo. Đài hình chuông, có hai môi. Tràng hình ống có 4 thùy không đều. Quả hình cầu, màu đỏ nằm trong lá đài, mang hai hạch cứng, xù xì.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây nguồn gốc các nước Trung Mỹ, sau được phổ biến đi khắp các nước vùng Viễn Đông, Mangat, Tân Calêđônia. Tại Tân Calêđônia cây mọc hoang và phát triển tới mức độ chính phủ ở đây phải ra lệnh triệt hết những cây này dù chỉ giữ một gốc để làm cảnh cũng không được phép.
- Tại Việt Nam cây được trồng làm cảnh và mọc dại. Toàn thân cây tỏa ra một mùi đặc biệt có người ưa nhưng cũng có người không ưa.
- Lá và cành được dùng làm thuốc; hái về phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học
- Năm 1943, Low đã chiết được từ cây bông ổi một chất gọi là lantanin
- Năm 1999, Các thành phần chính được tìm thấy trong dầu của lá và cành mỏng của bông ổi là limonene, α-phellandrene, germacrene-D, β- caryophyllene và sabinene.
Công dụng và liều dùng
- Một số nơi nhân dân dùng lá cây bông ổi giã nát đắp lên những vết thương, vết loét, người ta cho lá bông ổi có tính chất sát trùng lên da, cầm máu. Người ta còn dùng đắp nơi rắn cắn và cho vào nồi nước xông chữa cảm mạo, sốt.
- Dùng ngoài không kể liều lượng.
Chú thích:
Cây này không có tác dụng chữa viêm xoang mũi như cây cứt lợn Ageratum conyzoides. Chú ý tránh dùng lầm.