- Tên tiếng việt: Cam đàng hoang, Dực đài, hoa tượng, dây đầu mầu
- Tên khoa học: Calycopteris floribunda Lam.
- Họ: Bàng (Combretaceae).
Mô tả
- Cây bụi leo, cao 2 – 4 m. Thân cành mảnh, mọc tỏa rộng, có nhiều lông màu hung.
- Lá mọc đối, hình mác hay bầu dục – thuôn, dài 5-12 cm, rộng 3-5 cm, gốc và đầu tròn, hơi dày, lúc non có lông ở cả hai mặt, sau chỉ mặt dưới phủ lông màu hung; cuống lá cũng có lông hung.
- Cụm hoa mọc ở ngọn hoặc kẽ những lá gần ngọn thành chùy – bông dài 20 cm, có lông; lá bắc hình bầu dục hoặc ellip; hoa màu lục vàng; đài hình phễu, 5 răng, mặt ngoài phủ đầy lông, tràng 0 cánh; nhị 10, xếp thành 2 hàng; bầu hạ, 3 noãn.
- Quả gần hình trụ, có lông, bao bọc bởi đài đồng trưởng; hạt 1.
- Mùa hoa quả: tháng 3-4.
Phân bố, sinh thái
Chi Calycopteris Lam. chỉ có một loài là cam đàng hoang ở Việt Nam. Cây phân bố từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đến Kiên Giang và đảo Phú Quốc. Trên thế giới, cam đàng hoang có ở Ấn Độ, Malaysia và có thể ở cả Thái Lan và Campuchia.
Cam đàng hoang thuộc loại cây bụi mọc dựa hoặc trườn, ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt; thường mọc trong các quần hệ thứ sinh, như bờ nương rẫy, lùm bụi quanh làng, ven đồi, ven rừng hoặc rừng thưa. Đó là cây của vùng nhiệt đới điển hình. Không thấy cây mọc tự nhiên ở các tỉnh phía bắc. Cây ra hoa vào đầu mùa khô và quả già vào giữa hay gần cuối mùa khô. Cây có khả năng tái sinh cây chồi khỏe từ các phần gốc và thân còn lại.
Bộ phận dùng
Thân, lá và rễ.
Thành phần hóa học
Thân cam đàng hoang chứa dịch, trong đó có các chất hữu cơ bay hơi 0,05%, chất vơ cơ 0,02%, chất hữu cơ bao gồm tanin, albuminoid và chất gôm, acid acetic và acid tự do khác (ít), chất vô cơ bao gồm clorid, sulfat, nitrat, vôi và oxyd sắt.
Lá chứa 5, 4′ – dihyđroxy – 3, 6, 7, 8 – tetramethoxyflavon và calycopterin. Lá già có nhiều calycopterin hơn lá non. Lá non chứa tanin 7%. (The Wealth of India II, 1950).Theo Wall Monroe E. và cộng sự (1994)
Hoa chứa calycopteron (R = R2 = Me, R; = H), isocalycopteron (R = Rj = Me, R2 = H) và 4 – hydroxycalycopteron (R = R! = H, R2 = Me) và 4′, 5 – dihydroxy – 3, 3′, 6, 7 – tetramethoxyílavon. Trong các biflavonoid nói trên, calycopteron có nhiều nhất (CA 121: 78.251 u). Ba chất (I) có trong cam đàng hoang đều có hoạt tính kháng các dòng tế bào u cứng.
Tác dụng dược lý
- Tác dụng trên giun: Chất calycopterin chiết từ lá cam đàng hoang có tác dụng độc trên giun, giống như santonin hoặc dầu giun, nhưng không độc bằng chloroform hoặc thymol.
- Độc tính cấp: Thân lá cam đàng hoang chiết bằng cồn 50°, rồi cô dưới áp lực giảm được dạng cao khô. Thử độc tính cấp, tiêm dưới da cho chuột nhắt trắng, xác định được cao khô có LD50 = 188 mg/kg (theo một nghiên cứu sàng lọc của Ấn Độ).
Tính vị, công năng
Lá và rễ cam đàng hoang có vị đắng, có tác dụng trừ giun và nhuận tràng. Quả gây trung tiện.
Công dụng
Thân cây và lá cam đàng hoang (được dùng nhiều hơn) được dùng làm thuốc bổ, lọc máu, chữa đau bụng, khó tiêu, kiết lỵ và sốt rét. Ngày 1 – 2g lá khô hoặc 4 – 6 g lá tươi, tán bột hoặc sắc uống.
Dùng ngoài, lấy lá tươi giã đắp trị mụn loét.
- Lá khô có khi được dùng làm giấy cuốn thuốc lá.
- Hoa giã nát làm thành miếng đắp vào hai bên thái dương trị đau đầu.
- Quả chữa loét dạ dày và rễ gây trung tiện.
- Rễ được dùng trị rắn cắn.8.Bài thuốc có cam đàng hoang
Chữa lỵ và sốt rét: Lá hoặc cành non cam đàng hoang 4 – 6 g tán bột, trộn với bơ uống.
Chữa rắn cắn: Rễ cam đàng hoang và rễ cây cù đèn Croton oblongifolius Roxb. để tươi, lượng bằng nhau, giã nát, đắp lên vết cắn.