Hình ảnh: Cây Cát sâm
Mô tả cây
- Cây nhỏ, thân gỗ, cành non có nhiều lông mềm.
- Lá kép lông chim, mọc so le, có cuống dài phủ đầy lông, lá chét 7-13, thường là 11, hình mũi mác thuôn hoặc bầu dục.
- Cụm hoa tận cùng thành chùy, có lông, dài 10-20cm; hoa rất nhiều, màu trắng ngà, lá bắc dạng lá, dài có răng tam giác, mặt ngoài phủ đầy lông; tràng hoa nhẵn ở mặt ngoài, cánh cờ rộng.
- Quả phủ đầy lông mềm, thắt lại ở các hạt; hạt 4-6 có vỏ khá dày màu đen.
- Mùa hoa quả: tháng 7-12.
Phân bố, thu hái và chế biến
Cát sâm mọc hoang dại ở những vùng đồi núi của nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình.
Chế biến:
- Một số nơi trồng để lấy củ làm thuốc. Rễ củ đào ở những cây đã trồng được hơn một năm, vào thu đông, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì khác, hoặc tẩm nước gừng hoặc nước mật rồi sao vàng.
Thành phần hóa học
Chứa tinh bột và alcaloid
Công dụng và liều dùng
Củ cát sâm có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt lạc, nhuận phế.
Cát sâm được coi như là một vị thuốc bổ mát, do đó mới có tên sâm. Thường dùng trong những trường hợp suy nhược, viêm phế quản, ho khan, sốt khát nước, nhức đầu, tiểu tiện khó khăn, dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác dưới dạng sắc.
Mỗi ngày dùng 10-20g, có thể dùng tới 40g. Dùng riêng dưới dạng sắc thuốc, ngâm rượu hoặc phơi khô tán thành bột uống.
Nhân dân các tỉnh miền Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây) cũng dùng làm thuốc chữa đau nhức thấp khớp, đau lưng, viêm gan mãn tính, ho. Ngày uống 40-80g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc có cát sâm dùng trong nhân dân
- Thuốc bổ dùng cho những người yếu, ho, sốt khát nước: Cát sâm 12g, mạch môn 12g, thiên môn 8g, vỏ rễ dâu 8g, nước 400ml, sắc còn 200ml chia ba lần uống trong ngày.
- Thuốc chữa sốt, khát nước: Cát sâm 12g, cát căn 12g, cam thảo 4g, nước 400ml, sắc còn 200ml. Chia ba lần uống trong ngày.
- Thuốc chữa kém ăn, suy nhược cơ thể: Cát sâm tẩm nước gừng sao vàng. Ngày 30g sắc uống.