Mô tả
- Sống phụ sinh trên các cây gỗ hay trên đá. Thân rễ trông tựa củ gừng, mọc bò dài, mọng nước, có lông cũng màu vàng nâu.
- Lá có hai loại; lá hứng mùn hình trái xoan, rộng 10cm, gần như nguyên ôm lấy thân, thường khô và có màu nâu; lá thường có phiến màu xanh, dài 25-45m xẻ thùy sâu thành 3-7 cặp thùy lông chim, trục lá có cánh, cuống lá dài 10-20cm. Các ổ túi bào tử nhỏ, rải rác không đều khắp mặt dưới lá.
Bộ phận dùng
Thân rễ – Rhizoma Drynariae Bonii.
Nơi sống và thu hái
Cây của miền Ðông Dương, thường gặp mọc trên triền đá các vùng rừng Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Trị, Ðồng Nai, Lâm Ðồng, An Giang. Thân rễ thu hái quanh năm, nhưng thường từ tháng 4 đến tháng 9 cạo bỏ sạch lông, thái nhỏ phơi khô, đốt nhẹ cho cháy hết lông nhỏ phủ trên thân rễ, khi dùng ủ thân rễ cho mềm, rồi tẩm mật hoặc rượu sao vàng. Có thể cho vào nước đường nấu chín và phơi khô dùng dần.
Tính vị, tác dụng
Vị hơi đắng, tính ấm; có tác dụng bổ thận, tiếp cốt, hoạt huyết tán ứ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
- Tắc kè đá được dùng chữa phong thấp đau lưng, thận hư đau răng, trẻ em cam tích, đòn ngã, thần kinh suy nhược, ứ huyết gây đau.
- Liều dùng 6-12g dạng thuốc sắc, hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, lấy cây tươi rửa sạch, giã nhỏ rấp nước, gói vào lá chuối nướng cho mềm rồi đắp lên chỗ đau, bó lại; thay thuốc nhiều lần trong ngày.