10 November 2022

0 bình luận

Chua me đất hoa vàng

10 November 2022

Tác giả: thuc


Chua me đất hoa vàng

Tên tiếng Việt: Chua me đất hoa vàng, Chua me ba chìa, Toan tương thảo, Me đất, Sỏm hém (Tày), Mía pióp (Dao)

Tên khoa học: Oxalis corniculata L.

Họ: Oxalidaceae (Chua me đất)

Công dụng: Chữa ho, viêm họng, viêm gan, ruột, tiết niệu, lỵ, nhọt, sưng tấy (cả cây)

 

Mô tả

  • Cây thảo sống nhiều năm, mọc bò sát đất. Thân mảnh, thường có màu đỏ nhạt, hơi có lông.
  • Lá có cuống dài mang 3 lá chét mỏng hình tim.
  • Hoa mọc thành tán gồm 2-3 hoa, có khi 4 hoa màu vàng.
  • Quả nang thuôn dài, khi chín mở bằng 5 van, tung hạt đi xa. Hạt hình trứng, màu nâu thẫm, dẹt, có bướu.
  • Mùa hoa tháng 3-7.

Bộ phận dùng

Toàn cây – Herba Oxalis Corniculatae.

Nơi sống và thu hái

Cây của châu Âu, châu Á, phổ biến khắp nước ta. Nay gặp mọc khắp nơi, chỗ đất ẩm mát, có đủ ánh sáng trong các vườn, ở bờ ruộng và các bãi đất hoang. Cây tươi dùng làm rau ăn và làm thuốc, ít khi phơi khô. Thu hái cây tốt nhất vào tháng 6-7, rửa sạch, phơi trong râm.

Thành phần hoá học

Trong lá và thân Chua me đất có acid oxalic, oxalat, kali. Người ta đã tính được theo mg%: P 125; caroten 8,41; B1 0,25; B2 0,31; vitamin C 48.

Tính vị, tác dụng

Chua me đất có vị chua, tính mát, không độc, có tác dụng giải nhiệt, kháng sinh, tiêu viêm, làm dịu, làm hạ huyết áp và lợi tiêu hoá.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Thường được dùng trị

  1. Sổ mũi, sốt, ho viêm họng;
  2. Viêm gan, viêm ruột, lỵ;
  3. Bệnh đường tiết niệu và sỏi;
  4. Suy nhược thần kinh;
  5. Huyết áp cao.

Ở Trung Quốc và Ấn Độ, và cả ở Philippin, người ta dùng các bộ phận của cây làm thuốc chống bệnh scorbut.

Dùng ngoài trị chấn thương bầm giập, rắn cắn, bệnh ngoài da, nấm da chân, nhọt độc sưng tấy, eczema và trị bỏng.

Cách dùng: Người ta thường dùng các ngọn non để sống hay nấu canh chua, luộc với rau Muống. Dùng 30-50g lá tươi hoặc 5-10g cây khô sắc nước uống. Dùng ngoài giã tươi hoặc hơ nóng đắp để chữa vết thương, hoặc lấy nước uống.

Ðơn thuốc

Ở Trung Quốc, người ta sử dụng một số đơn thuốc có Chua me đất.

  1. Huyết áp cao, viêm gan cấp tính và mạn tính, dùng Chua me đất 30g, Bạch đầu ông 15g, Hạ khô thảo 10g, Cúc hoa vàng 15g sắc uống.
  2. Viêm đường tiết niệu, dùng Chua me đất 30g, Bòng bong 15g, Kim tiền thảo 15g, Dây vác Nhật 15g sắc uống.
  3. Suy nhược thần kinh: Chua me đất 30g, lá Thông đuôi ngựa 30g sắc uống.

Chúng ta cũng còn một số công thức khác để chữa:

  1. Sốt cao, trằn trọc, khát nước; dùng Chua me đất một nắm giã nát, chế nước vào vắt lấy nước cốt uống.
  2. Bị thương bong gân sưng đau; giã Chua me đất chưng nước xoa bóp.
  3. Ho: Chua me đất 40g, Rau má 40g, Lá xương sông 20g, Cỏ gà 20g, các vị dùng tươi, rửa sạch giã nhỏ, vắt lấy nước, đường 1 thìa, tất cả đun sôi, chia 3 lần uống trong ngày.
  4. Viêm họng: Chua me đất 50g, muối 2g, hai thứ nhai nuốt từ từ.

Ghi chú: Toàn cây Chua me đất chứa nhiều acid oxalic, do dùng dài ngày cần thận trọng vì có thể gây bệnh Sỏi thận cho nên người đã có sỏi thận không nên ăn.

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More