Mô tả
- Cây bụi rụng lá, mọc trườn, cao 1-2m, thân cứng nâu tím, mọc vươn dài. Cành non mềm màu tía.
- Lá mọc so le phiến lá bầu dục xoăn ngược, dài 4-9cm, chóp tù tròn so le mũi, gân phụ rất mảnh và nhiều.
- Hoa trắng, nhỏ xếp 3-8 cái gần như dạng tán trên các nhánh.
- Quả gần hình cầu 6mm mũi lồi ở đầu màu đỏ, có vỏ quả rất mỏng, chứa 1 hạt.
- Mùa ra hoa: tháng 2-4.
- Mùa quả tháng 5-7.
Bộ phận dùng
Rễ, lá và quả chín – Radix Folium et Embeliae Laetae.
Nơi sống và thu hái
Loài của Trung Quốc và Việt Nam nước ta, cây mọc hoang trong rừng núi thấp và trung bộ tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, Hà Nội, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Kontum.
Thành phần hoá học
Quả chứa embelin.
Tính vị, tác dụng
Rễ, lá cây Chua ngút hoa trắng có vị chua và se, tính bình, làm tan máu ứ, giảm đau, tiêu viêm, cầm ỉa chảy. Quả có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng bổ huyết, cường tráng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thường dùng rễ chữa: 1. Lỵ, viêm ruột, tiêu hoá kém; 2. Ðau họng, chấn thương bầm giập.
Quả dùng chữa: 1. Hoại huyết, thiếu vitamin C, thiếu máu, nôn ra máu; 2. Trướng bụng, ợ chua, ăn uống không tiêu; 3. Trị giun sán.
Cách dùng: Dùng rễ 15-30g, quả 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng lá làm thuốc đắp trị chấn thương bầm giập, lở ngứa, eczema, rắn cắn.
Ðơn thuốc:
- Trị sán: Dùng quả Chua ngút tán bột, trộn với mật, uống vào sáng sớm lúc đói, mỗi ngày 5g.
- Rắn cắn: Lá Chua ngút nhai nuốt nước, lấy bã đắp.
- Nôn ra máu, đau dạ dày ruột: Quả 8-16g sắc uống.