Mô tả cây
- Cỏ nhọ nồi là một loài cỏ mọc thẳng đứng có thể cao tới 80cm, thân có lông cứng, lá mọc đối có lông ở hai mặt, dài 2-8cm, rộng 5-15mm.
- Cụm hoa hình đầu màu trắng ở kẽ lá hoặc đầu cành, lá bắc thon dài 5-6mm, cũng có lông.
- Quả bế 3 cạnh, hoặc dẹt, có cánh. Dài 3mm, rộng 1,5mm, đầu cụt, mọc hoang khắp nơi ở nước ta.
Thành phần hóa học
- Theo các nhà nghiên cứu trước, trong nhọ nồi có một ít tinh dầu, tannin, chất đắng, carotene và chất ancaloit gọi là ecliptin. Có sách nói chất ancaloit là nicotin.
- Năm 1959 Govindachari T.R và đồng sự đã chiết được từ cỏ nhọ nồi một chất wedelolacton là một cumarin lacton. Sau đó tác giả cũng thấy chất này trong cây sài đất (công thức wedelolacton, xem ở cây sài đất).
- Ngoài wedelolacton, năm 1972 K.K Bharagava (Ind.J.Chem 8,72:810) còn tách được demetyl wedelolacton và một flavonozit chưa xác định.
Tính vị
Vị ngọt, chua tính lương vào hai kinh can và thận,
Tác dụng sinh lý
Năm 1961 Viện dược liệu và Bộ môn Dược lý Trường đại học Y dược Hà Nội có nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ nhọ nồi đã đi đến kết luận sau:
1. Về tác dụng cầm máu
- Nước sắc cỏ nhọ nồi khô, với liều 3g/kg thể trọng trên khỉ có tác dụng làm giảm thời gian Quick rõ rệt nghĩa là làm tăng tỷ lệ prothrombin toàn phần. Nhọ nồi cũng như vitamin K có tác dụng chống lại tác dụng của dicuramin.
- Nhọ nồi làm tăng trương lực của tử cung cô lập. trường hợp chảy máu tử cung, nếu dùng nhọ nồi thì ngoài tác dụng làm tăng prothrombin, còn có thể làm nén thành tử cung. Góp phần thúc đẩy việc chống chảy máu.
- Đối với thỏ có thai có thể gây sẩy thai.
- Cỏ nhọ nồi không gây tăng huyết áp.
- Cỏ nhọ nồi không làm giãn mạch.
2. Về độc tính của cỏ nhọ nồi
Thử trên chuột bạch với liều từ 5-80 lần liều lâm sàng không có triệu chứng độc. Theo dõi trên lâm sang, bệnh viện Ninh Giang (1961) đã cho 3 bệnh nhân (hai có thai 3-4 tháng, 1 không có thai bị ra huyết) uống 3-6 ngày mỗi ngày 20g cỏ nhọ nồi khô chế thành thuốc sắc. Sau 1-2 ngày đỡ ra huyết, sau 3-6 ngày khỏi và ra viện.
Công dụng và liều dùng
Tác dụng bổ thận âm, chỉ huyết lỵ. Dùng chữa can thận âm kém, lỵ và ỉa ra máu, làm đen râu tóc.
Nhân dân vẫn dùng cây nhọ nồi giã vắt lấy nước uống để cầm máu trong rong kinh, trĩ ra máu, bị thương chảy máu. Còn dùng chữa ho hen, ho lao, viêm cổ họng, ngày dùng 6-12g dưới dạng sắc uống hay làm thành viên mà uống. những người thợ nề dùng cỏ nhọ nồi để xoa tay chữa bệnh bỏng rát do vôi. Có người dùng chữa bệnh nấm ở ngoài da, làm thuốc mọc tóc (sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa mà bôi), nhuộm tóc, bôi lên những chỗ chóc ở da thịt để có màu tím đen.