10 November 2022

0 bình luận

Đan Sâm

10 November 2022

Tác giả: thuc


Đan Sâm

Tên tiếng việt: Đan sâm, Tử sâm, Xích sâm, Huyết sâm, Đơn sâm

Tên khoa học: Salvia multiorrhiza Bunge

Họ: Lamiaceae (Bạc hà)

Công dụng: thuốc bổ máu, giảm đau, gầy yếu, điều kinh, sưng khớp, phong thấp, viêm gan mạn, ghẻ lở, ung nhọt (Củ).

 

 

Mô tả cây

  • Đan sâm là một loại cỏ sống lâu năm, cao 30-80cm, toàn thân mang lông ngắn màu vàng trắng nhạt.
  • Rễ nhỏ dài hình trụ, đường kính 0,5- 1,5cm, màu đỏ nâu.
  • Lá kép, mọc đối: 3-5 lá chét, đặc biệt có thể có 7. Lá chét giữa thường lớn hơn cả. Lá kép có cuống dài, cuống lá chét ngắn có rìa. Lá chét dài 2-7,5cm, rộng 0,8-5cm. Mép lá chét có răng cưa tù. Mặt trên lá chét màu xanh, có các lông mềm màu trắng, mặt dưới màu xanh tro, cũng có lông nhưng dài hơn. Gân nổi ở mạt dưới, chia phiến lá chét thành múi nhỏ.
  • Cụm hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá, chùm hoa dài 10-20cm. Hoa mọc vòng, mỗi vòng 3-10 hoa thường là 5 hoa. Hoa có tràng màu xanh tím nhạt, 2 môi, môi trên trông nghiêng hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ 3 thuỳ, thuỳ giữa có răng cưa tròn. Hai nhị ở môi dưới, bầu có vòi dài lòi ra ở môi trên.
  • Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm. Mùa hoa từ tháng 5-8 (Tam Đảo) mùa quả tháng 6-9.

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây đan sâm trồng ở nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cây trồng ở Trại thuốc Sa Pa (VDL) tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới vùng núi cao. Một số cây đưa xuống Trại thuốc Tam Đảo (VDL) sinh trưởng kém hơn. Đan sâm chưa được đưa vào sản xuất. Những cây còn lưu lại ở Sa Pa chỉ có ý nghĩa để giữ giống.

Thu hoạch rễ vào mùa đông. Đào rể về rửa sạch đất, cắt bỏ cây và rễ con, phơi hoặc sấy khô.

Bộ phận dùng

  • Rễ Đan sâm phơi hay sấy khô.

Thành phần hoá học

Các hợp chất thân dầu:

Hơn 30 hợp chất diterpen đã được phân lập và nhận dạng từ Đan sâm. Hầu hết đều là các hợp chất diterpen chinon dạng Tanshinon bao gồm Tanshinon I, IIA, IIB, cryptotanshinon và các hợp chất liên quan khác. Trong số này, Tanshinon IIA và cryptotanshinon được nghiên cứu nhiều nhất.

Các hợp chất thân nước:

Acid phenolic là thành phần chính của các hợp chất thân nước từ Đan sâm. Đã phân lập và nhận dạng được 15  hợp chất acid phenolic, bao gồm polyphenolic acid (acid salvianolic) và các hợp chất liên quan (danshensu, protocatechuic aldehyd và protocatechuic acid).

Các thành phần khác:

Ngoài acid phenolic và các hợp chất diterpen, còn phân lập được một số thành phần khác như: baicalin, β-sitosterol, ursolic acid và daucosterol phân lập từ dịch chiết cồn; 5,3’-dihydroxy-7,4’-dimethoxy flavanon phân lập từ dịch chiết ethyl acetat.

Tác dụng dược lý

Rất nhiều các nghiên cứu invitro và invivo cho thấy Danshen có khả năng cải thiện vi tuần hoàn, làm giãn mạch động mạch vành, tăng dòng máu và ngăn ngừa thiếu máu cơ tim. Những năm gần đây, các nghiên cứu dược lý tập trung vào các thành phần của Danshen như Danshensu, acid salvianolic B và tanshinon IIA. Vì dữ liệu của các thành phần khác của Danshen còn hạn chế, tác dụng dược lý chính của 3 thành phần hoạt chất Danshen sẽ được tóm tắt dưới đây. Tuy nhiên, vẫn cần thêm những nghiên cứu lâm sàng liên quan đến tác dụng này.

  • Danshensu: Trên thử nghiệm với động vật, Danshensu cho thấy tác dụng làm giãn động mạch vành, chống kết tập tiểu cầu, cải thiện vi tuần hoàn và bảo vệ cơ tim khỏi tổn thương tái tưới máu do thiếu máu cơ tim. Cơ chế có thể do ức chế sự kết tập Ca2+ ở các tế bào cơ tim và ngăn ngừa sự quá tải Ca2+. Thêm vào đó, Danshensu còn có tác dụng dọn gốc tự do, ngăn ngừa quá trình apoptosis tế bào cơ tim, bảo vệ các tế bào nội mô khỏi sự tăng cao bất thường nồng độ homocystein.
  • Acid Salvianolic B: Thử nghiệm trên động vật cho thấy Salvianolic B có tác dụng bảo vệ não khỏi tổn thương thiếu máu-tái tưới máu. Ngoài ra acid Salvianolic B còn ức chế kết tập tiểu cầu cũng như biến đổi oxy hóa LDL. Một số tác dụng khác trên tim mạch bao gồm kích thích sản xuất NO của các tế bào nội mô và ức chế sự tăng sinh gây ra bởi angiotensin II. Ngoài ra, acid Salvianolic B còn ức chế tổng hợp DNA của các tế bào không phải cơ tim, ức chế hoạt động của protein kinase được hoạt hóa bởi stress, giúp bảo vệ tim khỏi tổn thương thiếu máu-tái tưới máu. Nghiên cứu invivo cho thấy acid Salvianolic B còn có tác dụng dọn gốc tự do superoxid và ức chế tan huyết hồng cầu và quá trình peroxid hóa lipid.
  • Tanshinon IIA: Kết quả các nghiên cứu invivo cho thấy Tanshinon IIA sulfonat có tác dụng giảm đáng kể kích thước vùng nhồi máu. Cơ chế có thể do khả năng dọn gốc tự do ở màng ty thể tim. Tanshinon IIA ức chế quá trình oxi hóa LDL và hoạt động của Angiotensin II, từ đó làm giảm phì đại tế bào cơ tim.

Tính vị, công năng

Đan sâm vị đắng, tính mát, vào 2 kinh tâm, can, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, tăng lưu thông máu, trục huyết ứ, kích thích ra kinh, tiêu sưng, giảm đau, thanh tâm, trừ phiền, làm đầu óc thanh thản.

Công dụng và liều dùng

  • Đan sâm là một vị thuốc còn dùng trong phạm vi nhân dân, để làm thuốc bổ cho phụ nữ, phụ nữ chưa chồng da vàng, ăn uống thất thường, chữa tử cung xuất huyết, kinh nguyệt không đều, đau bụng, các khớp xương sưng đau. Còn dùng chế thuốc xoa bóp. Liều dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
  • Đan sâm được dùng chữa bệnh tim, tâm hư phiền nhiệt, hồi hộp khó chịu, kinh nguyệt không đều, bế kinh, bụng dưới kết hòn cục, phong thấp các khớp sưng đau, thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ, chấn thương sai khớp, mụn độc, ghẻ lở. Còn dùng chữa vàng da, chảy máu tử cung, kinh nguyệt nhiều ít đều có tác dụng, vừa có tác dụng an thai, vừa cho ra thai chết, chữa mẩn ngứa. Ngày dùng 8-15g dạng thuốc sắc. Còn dùng chế thuốc xoa bóp.
  • Trong y học cổ truyền Trung Quốc, đan sâm là thuốc tăng cường tuần hoàn máu, làm hết ứ máu, chữa rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau kinh, đau nhói ở ngực và bụng, viêm đau khớp cấp, nhiễm khuẩn da, bồn chồn, mất ngủ, chứng to gan lách, đau thắt ngực. Liều dùng 9-15g rễ.

Minh chứng khoa học

1. Giãn mạch, hoạt huyết, cải thiện lưu lượng tuần hoàn

  • Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Hoshi, Tokyo, Nhật Bản, hoạt chất Tanshinone IIA có tác dụng làm giãn các tiểu động mạch và mao mạch, do đó giúp cải thiện lưu lượng tuần hoàn và giảm tình trạng ứ huyết.
  • Nhờ tác dụng này, Đan sâm giúp giảm nhanh các triệu chứng ho, phù, khó thở, mệt mỏi, đau thắt ngực do bệnh tim mạch, đặc biệt là suy tim.

2. Ngăn ngừa xơ vữa mạch, chống oxy hóa, chống viêm

Nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng Tanshinone IIA ngăn ngừa xơ vữa cũng như tổn thương tim và cơ tim phì đại. Trong xơ vữa động mạch, Tanshinone IIA ức chế quá trình oxy hóa LDL, monocyte bám dính vào nội mô, sự di trú và phát triển tế bào cơ trơn, sự tích tụ cholesterol đại thực bào, biểu hiện cytokine tiền viêm và kết tập tiểu cầu, do đó giúp ngăn ngừa và ổn định các mảng xơ vữa động mạch. Các tác dụng bảo vệ tim mạch của Tanshinone IIA chủ yếu liên quan đến tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Khi tiêm dẫn chất tanshinon II natri sulfonat vào động mạch vành sẽ làm giảm nhồi máu cơ tim cấp tính, kích thước vùng thiếu máu mất đi hoặc giảm đáng kể.

3. Ttiêu huyết khối (cục máu đông)

Nghiên cứu tại bệnh viện Đại học y Ôn Châu, Trung Quốc cho thấy, Đan Sâm có thể sử dụng để điều trị chống đông máu với cơ chế làm phân hủy fibrin & chống tập kết tiểu cầu. So với Heparin (thuốc chống đông máu), Đan Sâm có lợi thế an toàn với ít biến chứng chảy máu hơn. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ chảy máu là 30% trong nhóm Heparin và 0% trong nhóm Đan Sâm.

4. Chống rối loạn nhịp tim

Các nhà khoa học cho thấy dẫn chất tanshinone II natri sulfonat có trong Đan sâm có tác dụng điều chỉnh hoạt động của các kênh ion, cải thiện tình trạng quá tải ion canxi nội bào, nhờ đó giúp ổn định điện thế của màng tế bào, làm giảm hoặc ngăn chặn các rối loạn nhịp tim. Với tác dụng đa chiều trên toàn hệ thống tim mạch, hiện nay Đan sâm đã được ứng dụng và bào chế dưới rất nhiều loại chế phẩm khác nhau để bảo vệ trái tim – cơ quan đích mà các bệnh tim mạch nhắm tới, giúp làm chậm tiến triển của bệnh tim và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Đơn thuốc có đan sâm

Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu, phụ nữ sau đẻ mất máu (Thiên vương bổ tâm đan)

Đan sâm 8g; huyền sâm, địa hoàng, mỗi vị 12g, thiên môn, mạch môn, mỗi vị 10g; phục linh, viễn chí, đương quy, bá tử nhàn, toan táo nhân, mỗi vị 8g; ngũ vị tử, cát cánh, mỗi vị 6g; chu sa 0,6g. Uống thuốc sắc (chu sa gói riêng, uống cùng với thuốc đã sắc), ngày một thang. Hoặc tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20g.

Bài thuốc bổ (Tư can bổ thận)

Đan sâm 400g, đương quy 2000g, hoài sơn, ngọc trúc, hà thủ ô đỏ, mỗi vị 400g, đơn bì, bạch linh, mạch môn, trạch tả, mỗi vị 200g, thanh bì, chỉ thực, thù nhục, mỗi vị 200g. Các vị thuốc tán nhỏ,dùng mật ong hoặc siro luyện thành viên hoàn nặng 5g, ngày uống 4-6 viên.

Chữa viêm khớp cấp

Đan sâm 12g, hy thiêm thảo, ké đầu ngựa, thổ phục linh, kim ngân, mỗi vị 20g, kê huyết đằng, tỳ giải, mỗi vị 16g, ý dĩ, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm khớp cấp kèm theo tổn thương ở tim

  • Đan sâm 12g; kim ngân hoa, ké đầu ngựa, thổ phục linh, đảng sâm, ý dĩ, mỗi vị 20g; bạch truật, kê huyết đằng, tỳ giải, mỗi vị 16g. Sắc uống ngày một thang.
  • Đan sâm, kim ngân hoa, mỗi vị 20g, đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, mỗi vị 16g; đương quy, long nhãn, liên kiều, hoàng cầm, hoàng bá, mỗi vị 12g; táo nhân, phục linh, mỗi vị 8g; mộc hương, viễn chí, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
  • Khi có loạn nhịp: đan sâm 16g, sinh địa, kim ngân, mỗi vị 20g; đảng sâm 16g, chích cam thảo, a giao, mạch môn, hạt vừng, đại táo, liên kiều, mỗi vị 12g; quế chi 6g, gừng sống 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa đau tức ở ngực, đau nhói vùng tim

  • Đan sâm 32g, xuyên khung, trầm hương, uất kim, mỗi vị 20g; hồng hoa 16g, xích thược, hương phụ chế, hẹ, qua lâu, mỗi vị 12g; đương quy vĩ 10g. Sắc uống ngày một thang.
  • Đan sâm 32g, xích thược, xuyên khung, hoàng kỳ, hồng hoa, uất kim, mỗi vị 20g; đảng sâm, toàn đương quy, trầm hương, mỗi vị 16g; mạch môn, hương phụ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa thấp khớp mạn thể nhiệt, sốt, sưng đỏ đau

Đan sâm, cốt toái bổ, thạch cao, kê huyết đằng, địa hoàng, rau má, uy linh tiên, hy thiêm, khương hoạt, độc hoạt, thiên hoa phấn, thổ phục linh, mỗi vị 12g, bạch chỉ nam 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa thấp khớp mạn thể hàn, đau nhức các khớp

Đan sâm 12g, đảng sâm 20g, hoài sơn 16g; u chát chìu, kê huyết đằng, thục địa, xích thược, thổ phục linh, thiên niên kiện, độc hoạt, khương hoạt, tang ký sinh, đỗ trọng, mỗi vị 12g; ngưu tất 10g, nhục quê 8g. Sắc uống.

Chữa suy tim

Đan sâm 16g, đảng sâm 20g, bạch truật, ý dĩ, xuyên khung, ngưu tất, trạch tả, mã đề, mộc thông, mỗi vị 16g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa suy tim thể tâm dương hư

Đan sâm 16g, ngưu tất 16g, ý dĩ 16g, phụ tử chế 12g, bạch truật 12g, trạch tả 12g, can khương 6g, nhục quế 4g. Sắc uống.

Trị suy tim thể âm dương khí huyết đều hư

Đan sâm 16g, long cốt 16g, hoàng kỳ 12g, phụ tử chế 12g, ngũ vị tử 12g, mạch môn 12g, đương quy 12g, trạch tả 12g, xa tiền 12g, nhân sâm 8g, hồng hoa 8g, đào nhân 6g. Sắc uống.

Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai

Đan sâm 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, thục địa 12g, long nhãn 12g, đảng sâm 12g, toan táo nhân 8g, bá tử nhân 8g, viễn chí 8g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.

Chữa viêm gan mạn tính, sưng gan, đau vùng gan

Đan sâm 20g, nọc sởi 20g. Sắc uống thay nước uống trong ngày.

Chữa thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ

  • Đan sâm, bạch thược, đại táo, hạt muồng sao, mạch môn, ngưu tất, huyền sâm, mỗi vị 16g; dành dành, toan táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
  • Đan sâm, liên tâm, táo nhân sao, quả trắc bá, mỗi vị 8g, viễn chí 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa xơ gan giai đoạn đầu

Đan sâm 16g, nhân trần 20g, ý dĩ 16g, bạch truật 12g; bạch linh, bạch thược, sài hồ, hoàng kỳ, mỗi vị 10g; ngũ gia bì, chi tử, mỗi vị 8g; gừng, đại phúc bì, cam thảo, đại táo, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa động kinh (Hà sa hoàn thang)

Đan sâm 8g; đảng sâm, bạch truật, kỷ tử, hà thủ ô, mỗi vị 12g; bột rau thai nhi, phục linh, viên chí, mỗi vị 8g; trần bì, cam thảo, mỗi vị 6g. Làm thành viên hoặc sắc uống.

Chữa di chứng viêm não Nhật Bản

Đan sâm 12g, quyết minh tử sao 16g; sinh địa, huyền sâm, mạch môn, đơn bì, ngưu tất, bạch thược, mỗi vị 12g; câu đằng, liên tâm, lá bọ mẩy, hoàng bá, mỗi vị 8g. Sắc uống.

Chữa đau dây thần kinh liên sườn

Đan sâm, bạch truật, bạch thược, bạch linh, uất kim, sài hồ, thanh bì, mỗi vị 8g; bạc hà, hương phụ, cam thảo, mỗi vị 6g; gừng 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa đinh râu

Đan sâm 12g, kim ngân, bồ công anh, thạch cao, mỗi vị 40g, huyền sâm 20g, tạo giấc thích 16g, sinh địa 12g. Sắc uống.

Chữa chảy máu dưới da, chảy máu mũi, ỉa ra máu

Đan sâm 12g, mao can 40g, sinh địa, huyền sâm, kim ngân, mỗi vị 16g; xích thược, bạch thược, liên kiều, ích mẫu, đơn bì, mỗi vị 12g; hồng hoa 4g. Sắc uống.

Viêm tắc động mạch chi

Đan sâm, hoàng kỳ, mỗi vị 20g, đương quy vĩ 16g; xích thược, quế chi, bạch chỉ, nghệ, nhũ hương, một dược, hồng hoa, đào nhân, tô mộc, mỗi vị 12g. Sắc uống.

Thang tư âm hoạt huyết

Đan sâm 12g, sinh địa huyền sâm, quyết minh tử sao, ngưu tất, mỗi vị 16g; đơn bì, xích thược, mạch môn, huyết giác, mộc thông, mỗi vị 12g; hoàng cầm, chi tử, mỗi vị 10g; cam thảo dây 8g. Sắc uống.

Chữa kinh nguyệt mau và nhiều

Đan sâm 8g, ích mẫu 16g, sinh địa 12g, cỏ nhọ nồi tươi 20g, xuyên khung, ngưu tất, địa cốt bì, huyền sâm, mỗi vị 8g. Sắc uống.

Chữa kinh nguyệt không đều

Đan sâm, thục địa, hoài sơn, sài hồ, bạch thược, mỗi vị 12g; sơn thù, trạch tả, phục linh, đan bì, mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa đau kinh, bế kinh

Đan sâm, đương quy, sinh địa, mỗi vị 10g; hương phụ, bạch thược, xuyên khung, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa mất kinh

Đan sâm 8g; hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, mỗi vị 12g; đương quy, sài hồ, thăng ma, bạch thược, ngưu tất, mỗi vị 8g; trần bì 6g; cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa băng huyết, tích huyết tử cung

Đan sâm, đương quy, mỗi vị 16g; nhũ hương, một dược, bổ hoàng thán, ngũ linh chi, mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa sốt xuất huyết

Đan sâm, đơn bì, xích thược, sinh địa, huyền sâm, mạch môn, hột muồng sao, ngưu tất, tri mẫu, hoàng bá, cỏ nhọ nồi, trắc bá sao, huyết dụ, mỗi vị 10 – 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa u xơ tuyến vú

Đan sâm 16g, toàn quy, xích thược, lá quất, hồng hoa, huyền hồ, sài hồ, đào nhân, hương phụ chế, xuyên luyện tử, mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa viêm tuyến vú

Đan sâm 12g, bồ công anh 100g, sài đất 40g, huyền sâm, mộc thông, xa tiền, thông thảo, mỗi vị 16g; xuyên khung 12g, tạo giác thích 8g. Sắc uống.

Chữa phong nhiệt ghẻ lở

Đan sâm 20g, thổ sâm 16g, sà sàng (hạt) 16g. Nấu nước để rửa khi còn nóng.

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More