10 November 2022

0 bình luận

Dây chìa vôi

10 November 2022

Tác giả: thuc


Dây chìa vôi

Tên tiếng Việt: Dây chìa vôi, Bạch phấn đằng, Bạch liễm, Hồ đằng, Vét phông, Khau lích (Tày)

Tên khoa học: Cissus repens Lam.

Họ: Vitaceae (Nho)

Công dụng: Chữa thấp khớp, đau nhức xương, đòn ngã, sưng tấy, gãy xương (cả cây).

 

Mô tả

  • Dây leo, dài 2–4m hay hơn.
  • Thân màu lục, hơi có khía, thường pha lơ nhạt hoặc màu tía, phủ phấn trắng. Tua cuốn đơn, mọc đối diện với lá. Lá mọc so le, gốc hình tim, đầu nhọn, gân hình chân vịt, dài và rộng 6-8cm, lá gốc gần như nguyên, mép khía răng, lá ở phía trên xẻ sâu thành 5-7 thùy (thường là 5), thuỳ hình mác hẹp dài, có răng cưa, mặt trên xanh lục sẫm, mặt dưới hơi trắng, cuống lá to dày, lá kèm thuôn, rụng sớm.
  • Cụm hoa mọc thành ngù, đối diện với lá, ngắn hơn lá, lá bắc thuôn, rụng sớm, hoa màu vàng nhạt, đài hình đấu hay hình chén, nhẵn, 4 răng nhỏ: tràng 4 cánh, nhị 4, bao phấn tròn, bầu nhẵn.
  • Quả ít gặp.
  • Mùa hoa quả: tháng 7-9.

Phân bố, sinh thái

  • Chi Cissus L., có 14 loài ở Việt Nam (Nguyễn Tiến Bân, 1997). Trong đó, 8 loài được dùng làm thuốc (Võ Văn Chi, 1996).
    – Dây chìa vôi phân bố ở vùng nhiệt đới. Ở châu Á thường gặp ở một số tỉnh Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một số nước khác. Ở Việt Nam dây chìa vôi phân bố rải rác ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du. Ở vùng núi ít gặp. Cây thường mọc lẫn trong các lùm bụi, gò đống quanh làng (vùng đồng bằng), ở ven các đồi cây bụi, bờ mương гẫу.. (vùng trung du va núi thấp)
  • Dây chìa vôi thuộc loại dây leo ưa sáng và chịu được hạn, do toàn cây mọng nước, bao phủ bởi lớp phấn trắng, lại có nhiều rễ củ nằm sâu dưới mặt đất. Cây ra hoa quả hàng năm. Khả năng tái sinh cây con từ hạt tốt. Có thể gieo trồng bằng hạt hoặc bằng các củ con.

Cách trồng

  • Để làm thuốc, nhân dân thường khai thác từ nguồn hoang dại. Tuy vậy, cây vẫn được trồng để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy.
  • Dây chìa vôi có thể nhân giống dễ dàng bằng các đọan dây (từ phần non trên ngọn) hoặc trồng bằng củ con. Vào tháng 2-3, dùng một đoạn dây 30-50cm, có 3-5 mắt hoặc củ con vùi xuống đất ẩm, sau mọc thành cây. Thường trồng cạnh các lùm cây, bụi tre, hàng rào để có chỗ cho cây leo. Cây không cần chăm sóc.

Bộ phận dùng

Rễ củ, dây và lá chìa vôi. Rễ củ đào về, rửa sạch, ngâm một đêm cho mềm, thái mòng, phơi khô. Khi dùng đem rễ củ ngâm nước vo gạo, còn dây thì cắt ngắn từng đoạn, tẩm rượu sao.

Thành phần hoá học

  • Thân dây chìa vôi chứa hợp chất phenolic, acid amin. saponin, acid hữu cơ (Trung dược từ hải quyển II. 1728)
  • Ngọn và lá non có nước 91,3%, protid 1.4%, glucid 5,4%, xơ 1,1%, tro 0.8%, caroten 1.5mg% và vitamin C 45mg%. (Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam 1999).

Tác dụng dược lý

  • Dây chìa vôi cho chuột được tiêm liều độc nọc rắn hổ mang uống có tác dụng nâng cao tỷ lệ chuột sống và kéo dài thời gian cầm cự của chuột đối với liều độc nọc rắn hổ mang so với chuột ở lô đối chứng tiêm nọc rắn không uống dây chìa vôi. Chìa vôi có tác dụng lợi tiểu.
  • Đã áp dụng một bài thuốc sắc uống để điều trị sỏi niệu quản gồm dây chìa vôi, kim tiền thảo cùng một số dược liệu khác, trên những bệnh nhân có sỏi với đường kính không lớn quá 0,5cm, chức năng thận còn tốt… hoặc chỉ giảm nhẹ. Kết quả điều trị có 57% số bệnh nhân đạt mức khá, 17% bệnh nhân đạt mức trung bình,
    26% bệnh nhân mức kém. Trong số 51 bệnh nhân đạt kết quả khá, có 38 bệnh nhân đái ra sỏi, 13 bệnh nhân mất hình cản quang trên phim chụp tia X, nhưng không có cảm giác đái ra sỏi rõ rệt. Ca đái ra sỏi sớm nhất sau 6 tháng và chậm nhất sau 42 tháng. Sỏi đái ra đều là sỏi cản quang (calci oxalat và carbonat).

Tính vị, công năng

Rễ và dây chìa vôi đã chế biến có vị đắng, ngọt, hơi the… tính hơi lạnh, có tác dụng thông kinh, phá huyết, làm tan máu ứ, trừ phong thấp, giảm đau, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng.

Công dụng

Dây chìa vôi chữa phong thấp, sưng tấy, đau lưng, đau xương, tê mỏi, đau đầu, ung nhọt, sưng lở, trĩ. tràng nhạc, bỏng. Ngày dùng 6-20g, thái nhỏ, sắc uống. Dùng ngoài, lá, dây chìa vôi giã đắp chỗ đau. liều lượng không hạn chế để chữa rắn cắn, lấy lá giã với muối, nhai nhuốt nước, bã đắp.

Bài thuốc có dây chìa vôi:

  1. Chữa mụn ổ gà ở nách, nhọt ở vú (Nam dược thần hiệu) : Lá, dây chìa vôi giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp vào chỗ đau.
  2. Chữa phong thấp, đau xương, tế mỏi:
    a. Rễ dây chìa vôi phối hợp với rễ cốt khí củ, liều lượng bằng nhau, ngâm rượu
    uống
    b. Dây chìa vôi 20g, dây đau xương 16g, rễ lá lốt 16g Sắc uống, ngày một thang.
  3. Chữa rắn độc cắn: Dây lá chìa vôi 20g, chua me đất hoa vàng 20g, quế chi 8g, gừng 8g, lá trầu không
    20g, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, bã đắp lên vết rắn cắn.
  4. Bài thuốc chừa sởi niệu quản: Dây chìa vôi 16g, cỏ bợ 50g, kim tiền thảo 30g, rễ dứa dại 30g, cỏ hàn the 30g, ngải cứu 20g. Nếu sỏi ở cao, cho thêm rễ cỏ xước 12g. Nếu đau nhiều, cho thêm chỉ xác 12g. Nếu đái ra máu nhiều, cho thêm cỏ nhọ nồi 16g. Sắc uống, ngày một thang.

Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.

 

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More