Mô tả cây
- Cây gỗ thường xanh có thể cao tới 40m, đường kính tới 90 cm, vỏ xám nâu nứt dọc, cành non vuông cạnh phân nhánh trên cùng mặt phẳng. Lá hình vảy, nhỏ, mọc từng đôi, xít nhau và áp sát vào cành. Nón đơn tính cùng gốc: Nón đực hình trái xoan thuôn dài 5 – 6mm; nón cái hình cầu hoặc trứng rộng, đường kính 1,5–2cm đính trên cuống ngắn 4mm. Vẩy nón 6 đôi mọc vòng, mặt vẩy hình 5 cạnh có đường gờ tỏa tròn. Mỗi vảy mang 6-8 hạt. Hạt hình cầu bẹt có cánh mỏng.
- Mùa sinh sản: tháng 2-5
Phân bố, sinh thái
- Hoàng đàn chỉ thấy mọc ở một số tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Trên thế giới, hoàng đàn cũng phân bố hạn chế ở một số nơi phía nam Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal.
- Hoàng đàn chỉ mọc trên các dãy núi đá vôi có độ cao 300 – 700m, ít khi lên đến 1000m. Cây mọc nhiều ở chân các núi đá vôi có độ cao trên 300m, có độ dốc không quá 50 nhưng cũng gặp ở sườn và ở đỉnh núi đá vôi có độ dốc lớn. Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng ẩm trung bình, có nhiệt độ bình quân năm 20 – 21 độ C, độ ẩm 80 – 90%. Hoàng đàn ưa thoát nước, thường mọc trên các đất màu xám vàng, phong hoá từ núi đá vôi. Cây trung tính thiên về ưa sáng, lúc nhỏ chịu bóng nhẹ hay tàn che một phía; khi 3 – 4 tuổi chuyển sang cây ưa sáng, nếu bị che bóng nhiều sẽ chết. Cây mọc tương đối chậm, nhưng nếu ở nơi đất tốt chiều cao có thể đạt 0,4 – 0,5m/năm, đường kính 1cm/năm. Cây cho nhiều hạt nhưng lượng cây con tái sinh từ hạt dưới tán cây mẹ thường rất ít và rải rác.
Bộ phận dùng
Cành, lá, vỏ cây, quả, tinh dầu.
Thành phần hoá học
Rễ và gỗ thân hoàng đàn chứa tinh dầu với hàm lượng 4,5-5,5%. Lá có ít hơn, 0,5-0,8%.
Tính vị, công năng
- Cành và lá hoàng đàn có vị đắng, cay, chát, tính ôn, có tác dụng chỉ huyết, sinh cơ.
- Quả có vị đắng chát, tính bình, có tác dụng khu phong bào, an thần, lương huyết, chỉ huyết.
Công dụng
- Cành và lá dùng chữa nôn ra máu, trĩ, bỏng (dùng ngoài lấy nước sắc đặc bôi hoặc rắc bột mịn). Quả chữa cảm mạo sốt, nhức đầu, đau dạ dày (sắc uống); vỏ thân chữa tiêu chảy, đau bụng (sắc uống).
- Tinh dầu hoàng đàn được dùng làm thuốc xoa bóp chữa sưng tấy, ứ huyết, sai khớp, tê thấp; bôi lên vết thương, lở loét để sát trùng và làm chóng lành.
- Tinh dầu hoàng đàn còn được dùng trong công nghiệp hương liệu, làm chất đinh hương, chế xà phòng thơm, nước hoa, kem bôi mặt.
Bài thuốc có hoàng đàn
- Chữa nôn ra máu: Lá hoàng đàn 30g, sinh địa 30g, a giao 0,3g. Sắc uống. Hoặc quả hoàng đàn 2-3 quả, nghiền thành bột mịn, uống với rượu.
- Chữa tiêu chảy, đau bụng: Vỏ hoàng đàn 1 phần ngâm nước một đêm, thái nhỏ phơi hoặc sấy khô, tán bột, hương phụ tử chế 2 phần, tán bột. Trộn đều làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 20 viên chia làm 2 lần.