10 November 2022

0 bình luận

Hòe biển

10 November 2022

Tác giả: thuc


Hòe biển

Tên tiếng Việt: Hòe lông, Hòe biển

Tên khoa học: Sophora tomentosa L.

Họ: Fabaceae (Đậu)

Công dụng: Chữa bệnh ỉa chảy và thổ tả (Hạt). Các bệnh về mật (Rễ). Viêm xoang (Thân cạo nhỏ đốt xông mũi).

 

Mô tả

  • Cây nhỏ, cao 2 – 4m. Thân thẳng, cành tròn, khỏe. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, có 17 – 23 lá chét mọc đối, hình trứng, dài 2,5 – 4,5cm, rộng 2 – 3,5cm, gốc và đầu tròn, mặt trên màu lục pha trăng nhạt bóng, mặt dưới có lông tơ mềm, màu trắng, cuống lá dài 12 – 18cm, không có lá kèm.
  • Cụm hoa mọc thẳng đứng ở ngọn thành chùm dày, dài 10 – 20cm, cuống có lông, gồm rất nhiều hoa màu vàng xám, đài hình trụ, có lông ở mặt ngoài, răng rất nhỏ, tràng có cánh cờ hình bầu dục, gần tròn, cánh bên thuôn có tai tròn, cánh thìa thẳng; nhị 10, rời, bầu có lông.
  • Quả hình tràng hạt, dài 5 – 10cm, có lông mềm; hạt hình cầu, màu vàng bẩn.
  • Tất cả các bộ phận của cây đều có màu trắng nhạt.
  • Mùa hoa quả: tháng 9 – 12.

Phân bố, sinh thái

  • Hoè biển mọc tự nhiên ở vùng ven biển thuộc các nước vùng nhiệt đới Đông Nam Á. Giới hạn phân bố của cây về phía bắc đến Trung Quốc và quần đảo Ryukyu, phía nam đến đông Australia và phía đông đến tận Polynesia. Ở Việt Nam, hoè biển phân bố ở hầu hết các tỉnh dọc theo bờ biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu và các đảo lớn như Cát Bà, Hòn Mê Côn Đảo, Phú Quốc. Những tỉnh có hai bên phân bố tương đối tập trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Hoè biển là cây ưa sáng, thường mọc rải rác trong các trảng cây bụi trên bãi cát hoặc đồi thấp ở vùng ven biển. Cây có khả năng chịu hạn, thích nghi cao với điều kiện nắng nóng và có gió nhiều. Cây trồng ở Hà Nội (vườn Trại thuốc Văn Điển – Viện Dược liệu) có hiện tượng rụng lá vào mùa đông. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, mùa hoa quả của cây rất khác nhau theo vùng. Ví dụ ở các tỉnh phía nam, hoè biển ra hoa vào tháng 12 – 1, quả tháng 2 – 4; ở Malaysia, từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau… Cây tái sinh tự nhiên, chủ yếu từ hạt; hạt rơi xuống nước biển trong vòng 3 tháng vẫn có khả năng nảy mầm, tuy nhiên tỷ lệ nảy mầm sẽ bị giảm dần theo thời gian. Cây bị chặt phá nhiều lần vẫn có khả năng tái sinh trở lại.

Bộ phận dùng

Rễ, lá, và hạt.

Thành phần hóa học

  • Nhiều bộ phận ở dạng tươi của cây hoè biển chứa alcaloid: (+) – matrin, (+) – matrin – N – Oxyd, (+) – sophocarpin – N – oxyd, (-) – anagyrin, (-) – baptifolin, (-) – cytisin, (-) N-methyl – cytisin, (-) formylcytisin, (-) – N – acetylcytisin, (+) – amodendrin, (-) – epiamprolobin, (+) – epiamprolobin – N – oxyd và S – (3′- methoxycarbonyl butyroyl)aminomethyl – trans quinolizidin.
  • Lysin có ở lá, thân, quả chưa chín, hạt chưa chín theo thứ tự 0,15%, 0,22%, 0,37% và 0,64% (tính theo nguyên liệu tươi).
  • Ngoài ra, còn có (+) – epiamprolobin – N – oxyd, (+) – matrin – N – oxyd, (+) – matrin và (-) – cytisin.
  • Phần trên mặt đất có các flavanoid; Sophoraisoflavanon A, sophoraflavanon B; sophoronol, isosophoranon và isobavachin.
  • Hoè biển còn có các sophoracarpan A và B, wighteon (erythrinin B), (-) maackiain (Compendium of Indian medicinal plants. vol. 5 (1990 – 1994, 1998).

Tác dụng dược lý

Theo tài liệu nước ngoài, hạt hoè biển có tác dụng làm săn se, hạ sốt, kiện vị, gây nôn – tẩy (emetocathartic). Lá cũng gây nôn tẩy mạnh và độc khi dùng với liều cao. Dầu chiết từ hạt có tác dụng lợi đờm. Chất cytisin có tác dụng dược lý giống nicotin, là một chất dẫn truyền thần kinh nhưng ít độc hơn. Cytisin còn có tác dụng diệt côn trùng. Hai chất (+) matrin và (-) N – methylcytisin trên tiêu bản hồi tràng cô lập chuột nhắt trắng, có tác dụng đối kháng nhau, (-) N – methylcytisin gây co thắt còn (+) matrin làm tê liệt; (+) matrin còn có tác dụng chống viêm và loét.

Công dụng

Nước sắc từ hạt và rễ hoè biển là thuốc đặc biệt cho các bệnh đường mật. Ở Indonesia, hạt và rễ được dùng chữa thổ tả, đau bụng, kiết lỵ. Ở Malaysia, hạt, lá và rễ là thuốc gây săn se, chữa tiêu chảy. Rễ hoè biển (liều nhỏ) phối hợp với rễ Caesalpinia được dùng giải độc trong các trường hợp ngộ độc do thức ăn, lá khô nghiền thành bột mịn hoặc hạt nhai kỹ dùng đắp vết thương do gai ngạnh cá độc đâm phải (theo Rumphius). Tên Thái của cây hoè biển là “saaraphat phit” có nghĩa là nhiều chất độc khác nhau, có lẽ do công dụng của cây dùng làm thuốc giải độc trong nhiều trường hợp. Ở Philippin, cây hoè biển được dùng chữa đau dạ dày, dầu từ hạt xoa ngoài chữa đau xương, và là thuốc lợi đờm. Ở New Caledonia, hạt và rễ hoè biển được dùng làm thuốc gây nôn – tẩy. Liều dùng: khoảng 3 hạt. Ngoài ra, ở Đông Phi, hoè biển được dùng để duốc cá.

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More