10 November 2022

0 bình luận

Màng tang

10 November 2022

Tác giả: thuc


Màng tang

Tên tiếng Việt: Màng tang, Khương mộc, Sơn thương, Tất trừng già, Khảo khinh (Tày), Tạ chàm điằng (Dao), Lồ lê (Kho)

Tên khoa học: Litsea cubeba (Lour.) Pers

Họ: Lauraceae (Long não)

Công dụng: Đau bụng kinh niên, đầy hơi, rắn cắn, nhức đầu, kinh nguyệt không đều (Rễ hoặc quả sắc uống). Quả dùng cất tinh dầu.

 

 

Mô tả cây

  • Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 6-8m. Cành hình trụ, vỏ màu xám, có khía dọc và nhiều nốt sần nhỏ.
  • Lá mọc so le, hình mác, dài 7-10cm, rộng 2-2,5cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới trắng xám; cuống lá dài 1-1,2cm. Lá vò ra có mùi thơm mát.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm gồm nhiều tán đơn, có cuống chung dài 0,8-1cm, mỗi tán có 4-6 hoa đơn tính màu trắng; lá bắc 4 khum, nhẵn ở mặt ngoài, có lông ngắn ở mặt trong; bao hoa có ống ngắn, 6 thùy gần bằng nhau xếp thành 2 hàng; hoa đực có 9 nhị, 6 cái ở phía ngoài dài 2mm, bao phấn thuôn dẹt, chỉ nhị mảnh, có lông ở gốc, 3 cái phía trong thụt, chỉ nhị có tuyến; hoa cái chỉ còn lại những chỉ nhị (vết tích của nhị tiêu giảm), 3 cái phía trong có tuyến dẹt ở gốc, bầu hình trứng, nhẵn.
  • Quả mọng, hình tròn hoặc hình trứng, khi chín màu đen.
  • Mùa hoa: tháng 3-5, mùa quả tháng 7-8.

Phân bố, thu hái và chế biến

  • Cây mọc hoang dại ở khắp vùng rừng núi cao lạnh hay mát như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.
  • Khoảng hơn 10 năm trở lại đây nhân dân ta bắt đầu khai thác quả để cất tinh dầu. Một số nơi đã đặt vấn đề trồng để bảo đảm nguồn thu nguyên liệu lâu dài. Trồng bằng hạt vào mùa đông và mùa xuân.
  • Để làm thuốc, người ta hái quả như để cất tinh dầu. Ngoài ra còn dùng rễ. Rễ đào về rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học

  • Tinh dầu quả chứa citral 70%, methylheptenon 20%, limonen, dipenten, linalol
  • Tinh dầu hoa chứa citral 8,1%, alcol tự do 44,8%, ester 2,7%, geraniol và terpineol
  • Tinh dầu lá chứa cineol 80%, camphen 4%, anpha terpineol 7%, sesquiterpen 1%.
  • Tinh dầu vỏ thân chứa citral 8%, citronelal 10%, geraniol 36,5% và ester.

Tác dụng dược lý

Ở Việt Nam, tinh dầu chiết từ quả màng tang đã được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn, chống rối loạn nhịp tim, tác dụng kéo dài thời gian hình thành huyết khối và ức chế hiện tượng ngưng tập kết tiểu cầu.

  • Nước sắc màng tang có tác dụng ức chế co bóp ruột.
  • Màng tang có tác dụng bảo vệ chống lại co thắt khí quản do histamin gây ra.
  • Tinh dầu màng tang có tác dụng gây yên tĩnh, an thần, làm giảm hoạt động tự nhiên.

Tính vị, công năng

Màng tang có vị cay, tính ôn, có tác dụng ôn trung, noãn thận, kiên vị, tiêu thực, hành khí, chỉ thống.

Công dụng

Theo kinh nghiệm nhân dân, rễ cây màng tang chữa rắn độc rất hiệu quả. Khi dùng đào về rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, dùng bã đắp ngoài, mỗi lần khoảng 50g. Thường dùng phối hợp với quả xuyên tiêu.
Các dân tộc Tày, Nùng ở miền Bắc Việt Nam dùng rễ màng tang kết hợp với rễ ba chẽ, mỗi thứ 100g, dược liệu tươi hoặc 60g dược liệu khô, thái nhỏ sắc với 400ml còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày chữa kém ăn, mất ngủ, cơ thể yếu ở phụ nữ sau đẻ.

Nhân dân còn dùng màng tang chữa bụng lạnh đau, đầy hơi, nôn mửa, nấc, kiết lỵ. Liều dùng: quả 3-9g/ngày; rễ 10-15/g ngày dưới dạng thuốc sắc.

Ngoài công dụng trong y học, tinh dầu màng tang còn được dùng trong công nghiệp chất thơm, làm xà phòng, chế biến nước hoa. Citral chiết được từ tinh dầu màng tang có mùi thơm, dễ chịu hơn tách từ sả.

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More