10 November 2022

0 bình luận

Mèo

10 November 2022

Tác giả: thuc


Mèo

Tên tiếng Việt: Mèo, Mèo nhà

Tên khoa học: Felis ocreata domestica Brisson

Họ: Felidae

Công dụng: Tác dụng tiêu thũng, chống lao lực, giải độc, giảm đau, chống co thắt, bổ dưỡng.

 

Mô tả

Thân thon nhỏ, dài 50 – 60 cm, kể cả đuôi, nặng 3 – 4 kg, dáng nhanh nhẹn, nhẹ nhàng. Mặt và mõm ngắn, răng nhanh nhọn sắc, cổ ngắn, tai vểnh, rất thính, khứu giác nhạy, mắt sáng lanh lợi, nhìn được trong bóng tối, chân có móng vuốt, chạy nhảy nhẹ nhàng.

Có nhiều giống mèo dựa vào bộ lông:

  • Mèo mướp, chiếm đa số, lông màu xám hoặc xám vàng, có những vằn sẫm đen.
  • Mèo vàng, lông màu nhạt có vằn vàng sẫm.
  • Mèo đen, lông đen tuyền, bóng.
  • Mèo tam thể, lông 3 màu, đen, trắng và vàng.
  • Mèo nhị thể, lông 2 màu, đen và trắng.
  • Mèo xiêm, lông màu nâu nhạt, hơi xám tro, có đốm sẫm.

Trong đó, chỉ có 3 giống mèo mướp, mèo vàng và mèo xiêm phổ biến ở Việt Nam.

Ở hoang dã, có giống mèo rừng gọi là linh miêu (Felis benghairensis Kerr.) thân lớn hơn mèo nhà, lông dày màu vàng, có nhiều đốm đen hoặc nâu sẫm, cổ và bụng trắng, đuôi ngắn.

Phân bố, sinh thái

Mèo xuất hiện sớm nhất trong thế giới các loài thú cổ xưa, cách đây khoảng 8000 năm, từ giống mèo rừng ở châu Phi. Lúc đầu, mèo được nuôi ở Ai Cập, sau sang châu Âu, châu Á và các khu vực khác trên thế giới. Ở Việt Nam, mèo được thuần hóa khoảng vài trăm năm trước công nguyên và được nuôi khắp nơi trong cả nước, để bắt chuột và làm cảnh. Mèo nhà nuôi được 10-12 tháng tuổi đã có thể sinh sản được. Nó đẻ mỗi lứa 2 – 6 con, trung bình 4 con. Mèo mẹ bảo vệ con rất nghiêm ngặt, nếu thấy động, thường tha con đi hết nơi này đến nơi khác. Thức ăn của mèo rất đa dạng, gồm cơm, thịt, cá và những động vật sống như chuột, chim, ếch, nhái, thậm chí cả gián… Trên thế giới, còn có nhiều giống mèo cỡ lớn, lông rậm dày.

Bộ phận dùng

Thịt mèo được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là miêu nhục. Xương mèo (miêu cốt) và mật mèo (miêu đởm) thường dùng loại mèo đen. Còn dùng xương đầu mèo, nước đái mèo và phổi mèo.

Tính vị, công năng

  • Thịt mèo có vị ngọt, mặn, chua, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thũng, chống lao lực, giải độc, giảm đau.
  • Mật mèo đen có vị đắng, tính hàn, có tác dụng giảm đau, chống co thắt.
  • Xương mèo đen có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng.

Công dụng

  • Thịt mèo được dùng chữa bệnh báng to bụng, lao, chóng mặt, trĩ mạn tính, mụn nhọt. Ngày dùng 50 – 100 g dưới dạng nấu chín ăn hoặc sấy khô, tán bột uống.
  •  Mật mèo đen ngâm rượu uống hàng ngày, chữa hen suyễn, đau bụng kinh niên.
  •  Xương mèo đen ngâm rượu uống là thuốc bổ, giảm đau nhức, dùng thích hợp cho người cao tuổi. Xương đầu mèo đốt thành tro, tán nhỏ, mỗi lần uống 12 g với rượu, chữa ho suyễn do đờm khí hoặc bôi ngoài chữa lở ngọc hành ở trẻ em (Nam dược thần hiệu).
  • Các dân tộc ít người ở miền Bắc dùng thịt và dạ dày mèo rừng chữa cơ thể suy nhược, xanh xao, gầy yếu; xương mèo rừng ngâm rượu uống chữa đau nhức gân xương; mật mèo rừng pha chế thuốc chữa đau mắt.
  • Theo các tài liệu cổ, phân mèo (miêu phẩn) sao khô là thuốc chữa chứng đậu, sởi ở trẻ em (Hải Thượng Lãn Ông trong Lĩnh nam bản thảo). Gan mèo đen thái nhỏ, phơi khô, tán bột, mỗi lần uống 4 g với rượu nhạt vào lúc đói chữa hư lao (Tuệ Tĩnh – Nam dược thần hiệu). Phổi mèo (1 bộ) băm nhỏ trộn với đọt lá sòi tía (80 g), ngũ vị tử (20 g) làm thành chả nướng hoặc hấp chín, ăn chữa hen suyễn. Nước đái mèo nhỏ vào tai sẽ làm cho con đỉa hoặc sâu bọ bò ra ngoài. Cách lấy nước đái mèo như sau: Bắt mèo, giữ chặt 4 chân, lấy vỏ bưởi xát vào đít hoặc gừng tươi xát vào lỗ mũi, mèo sẽ đái vọt ra, hứng lấy (Lương y Vũ Văn Kính).
  • Ngoài ra, trong y học, mèo còn được dùng để thử tác dụng của thuốc chữa bệnh về tim như đối với các chế phẩm của dương địa hoàng (Digitalis purpurea); người ta dùng đơn vị “mèo” để nghiên cứu đánh giá chất lượng thuốc. Ruột mèo có thể được dùng làm chỉ khâu trong phẫu thuật.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, mèo được sử dụng dưới những dạng thuốc rất đa dạng:

  1. Thịt mèo ninh nhừ, thêm ít muối và rượu, ăn trong ngày. Chữa loét dạ dày, hành tá tràng.
  2. Thịt mèo (100 g) thái nhỏ, hấp cách thủy với đảng sâm (30 g), long nhãn (15 g). Ăn  cái, uống nước. Chữa thần kinh suy nhược, xuất huyết dưới da do dị ứng.
  3. Thịt mèo (100 g) nấu chín với khởi tử (25 g), hoàng tinh (10 g), long nhãn (8 g). Ăn cả cái lẫn nước. Chữa chứng gan, thận hư nhược
  4. Xương đầu mèo đen (1 cái) đốt tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 10 – 15 g với rượu. Chữa cam tẩu mã.
  5. Xương mèo rừng tán bột dùng uống và đốt thành than, đắp ngoài. Chữa đau khớp, trĩ, nhọt độc, cam tích.

Ghi chú:

Thú ẩm thực ở Việt Nam đã có thêm món thịt mèo được chế biến rất đa dạng. Gần đây, ở Hà Nội đã thấy xuất hiện những cửa hàng đặc sản bán thịt mèo với tên gọi khá hấp dẫn là “tiểu hổ”. Còn ở Hải Phòng, những quán thịt mèo lại mang tên “hổ đồng bằng”.

Mèo là vật nuôi rất có ích cho mỗi gia đình. Ta không nên vì “khoái khẩu” với món đặc sản nêu trên mà tiêu diệt nó làm mất đi cân bằng sinh thái trong tự nhiên và đời sống xã hội.

Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More