Mô tả
- Cây thảo, sống nhiều năm, cao 1,5 – 2m. Thân rễ mập, hình trái xoan, dài 16 cm, dày 3 cm, đầu màu hồng, vỏ ngoài màu xám sáng, mặt trong màu lục lợ.
- Lá mọc so le, hình mác thuôn, dài 30 – 70 cm, rộng 9 – 13 cm, hai mặt nhẵn, có một vệt màu đỏ nhạt ở gần giữa, bẹ lá dài và nhẵn.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá xuất phát từ thân rễ trên một cán dài thành bông to hình trụ, bao bọc bởi những lá bắc màu lục sẫm, đầu nhuốm đỏ; đài màu trắng hoặc vàng ngà, có 3 răng hình tam giác; tràng có ống hẹp, cánh hoa màu hồng sẫm, cánh lưng có mũi nhọn dài, nhị có trung đới hình mũi hẹp, nhị lép hình elip đính ở gốc chỉ nhị, màu vàng, cánh môi hơi xẻ 3, màu vàng, bầu có lông.
- Mùa hoa: tháng 4 – 7.
Phân bố, sinh thái
Cây phân bố tự nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La (Mộc Châu), Điện Biên (Tuần Giáo), Tuyên Quang (Chiêm Hóa, Yên Sơn), Hà Giang (Vị Xuyên và ngoại ô thị xã Hà Giang), Thái Nguyên (Phú Lương, Đại Từ). Cây cũng được trồng rải rác trong nhân dân. Trên thế giới, cây có ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Campuchia và Indonesia.
Nghệ xanh lá cây đặc biệt ưa ẩm và chịu bóng. Cây thường mọc nơi đất còn tương đối màu mỡ, giàu chất mùn, bên cạnh các lùm bụi quanh làng, ven đường đi, bờ nương rẫy nhưng gần nguồn nước. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè – thu, đến mùa đông toàn bộ phần trên mặt đất bị tàn lụi. Hiện chưa quan sát được quả cũng như cây con mọc từ hạt. Nhân trồng dễ dàng bằng các nhánh củ con. Trồng vào mùa xuân.
Bộ phận dùng:
Thân rễ.
Thành phần hóa học
Trong thân rễ nghệ xanh chứa tinh dầu, curcumenon, curcumol, curdion, epicurzerenon aerugidiol, difrucurmenon, guain, sesquiterrpen lacton, isofurranodien, furanodienon, dihydrogermacron, 13 hydroxygerlacron, zedoarol, sedoalacerol A và B redoalrondrol (guinolid) [Phạm Hoàng Hộ, 2006].
Theo Lã Đình Mồi (2002) [Tài nguyên thực vật có tinh dầu ở Việt Nam, tập 2, tr.256], thành phần của tinh dầu nghệ xanh gồm α – pinen (0,07%) β – pinen (1,23%) limonen (0,13%) 1,8 cineol (2,98%), decanon – 2 (0,21%), camphor (1,16%), nanonol – 2 (0,06%), α – terpineol (0,32%), 8 – elemen (0,21%), β-elemen (2,82%), β – caryophyllen (0,76%), menthol (0,04%), isoborneol (0,05%), borneol (0,13%) sesquiterpen hydrocarbon (0,20%), β – cubeben (1,15%), α – zingiberen (2,72%), α – curcumen (0,4%) β – bisabolen (1,42%) sesquiterpen derivat (0,75%) δ – elemen (1,50%) δ – lacton (0,64%) 19,9% sesquiterpen.
Tác dụng dược lý
Tác dụng ức chế yếu tố hoạt hóa tiểu cầu: Cao methanol chiết từ thân rễ cây nghệ xanh có tác dụng ức chế có ý nghĩa với nồng độ tối thiểu ức chế 50% (IC50) từ 1,2 đến 18,4 ug/ml (Jantan et al., 2005).
Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm: Có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm: Pseudomonas aeruginosa, Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus.
Hoạt tính chống oxy hóa in vitro: Hoạt tính chống oxy hóa được đánh giá qua tác dụng dọn gốc tự do DPPH (2,2 – diphenyl – 1 – picryhydrazyl) trong dung dịch ethanol bão hoà dùng acid ascorbic làm chất tham chiếu chống oxy hoá. Kết quả cho thấy, acid ascorbic với nồng độ 50 g/ml, khả năng dọn gốc tự do so với lô đối chứng là 86%, còn curdion và zederon cũng với nồng độ 50 ng/ml không có tác dụng [Tài liệu đã dẫn].
Tính vị, công năng
- Nghệ xanh vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh can, có công năng phá huyết, hành khí, tiêu tích, thông kinh, chỉ thống.
- Cũng từ tương tự như ở Việt Nam, tài liệu Trung Quốc cho rằng thân rễ nghệ xanh, vị đắng cay, tính ôn, có công năng phá huyết, hành khí, tiêu tích tụ, chỉ thống [TDTH, 1996, VV. 1939].
Công dụng
Thân rễ nghệ xanh được dùng trị tích huyết sinh đau bụng, kinh nguyệt bế tắc, ăn không tiền tích tụ lại, gan lách sưng to. Ngày dùng 3 – 10 sắc nước uống hoặc tán bột uống.
Trong thời kỳ đói kém, nhân dân lấy thân rễ, mài hoặc gia thành bột, rửa sạch bột bằng nước, phơi bột cho khô dùng thay cho sắn, ngô.
- Ở Indonesia và Thái Lan, nhân dân dùng thân rễ ngải xanh (có thể phối hợp với một số vị thuốc khác) sắc cho phụ nữ sau khi sinh con để chống các bệnh phát sinh sau đẻ, được coi như để lọc máu. Uống trong và đắp ngoài để chữa ngoại ban, lở ngứa. Còn dùng chữa béo phì, thấp khớp và chống giun.
- Có thể dùng thân rễ tươi làm thuốc nhuộm xanh [De Padua et al., 1999: 211; Med, herb index, 1995: 271].
- Ở Trung Quốc, thân rễ ngải xanh được dùng chữa chứng giả tích tụ (chứng tích tụ hòn cục ở trong bụng), quảng phục trưởng thống (khoang bụng trướng đau), thực tích trướng thống (ăn không tiêu, bụng trướng đau), kinh bế phúc thống
(không thấy kinh sinh đau bụng), khí huyết ngưng trệ [TDTH, 1996, II: 1939].
Chú ý:
- Phụ nữ có thai không được dùng ngải xanh.
- Người cơ thể yếu mệt cũng không nên dùng. Nhưng có thể phối hợp với nhân sâm, bạch truật để dùng khi yếu mệt.