10 November 2022

0 bình luận

Ngô đồng

10 November 2022

Tác giả: thuc


Ngô đồng

Tên gọi khác: Trôm đơn, cây bo rừng, tơ đồng

Tên khoa học: Firmiana simplex (L.) W. Wight

Tên đồng nghĩa: Hibiscus simplex L., Sterculia platanifolia L.f.

Họ: Trôm (Sterculiaceae)

Công dụng: chữa thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, đau nhức xương, chữa cao huyết áp, bệnh mạch vành, tăng cholesterol huyết, chữa lở loét ngoài da.

Mô tả

  • Cây to, cao 20 – 30m.
  • Lá đa dạng, kép chân vịt, mọc so le, hình tim, từ nguyên đến xẻ 3 – 5 thuỳ hình tam giác, gốc xẻ sâu thành 2 thuỳ tròn to, đầu từ thuôn nhọn, hai mặt hơi có lông, sau nhẵn; cuống lá dài.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùy phân nhánh, có lông mềm; đài 5 răng hình trứng ngắn, có lông sắt ở mặt ngoài. Hoa đực có cuống bộ nhị nhăn và bầu lép có lông, chia 5 cạnh. Hoa lưỡng tính có bầu hình cầu có lông, vòi nhụy ngắn, đầu nhụy chia 5 thuỳ.
  • Quả gồm 5 đại, mở trước khi chín, hạt hình cầu.
  • Mùa hoa: tháng 5 – 7; mùa quả: tháng 8 – 10.

Phân bố, sinh thái

Chi Firmiana Marsili ở Việt Nam chỉ có 2 loài. Một loại phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc, và loài ngô đồng chỉ thấy ở phía Nam: Khánh Hoà (Cam Ranh, Nha Trang) và Bà Rịa – Vũng Tàu (Bà Rịa), Quảng Nam (Cù Lao Chàm) và có thể có ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Ngô đồng là cây gỗ mọc nhanh, ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt. Cây thường mọc ở rừng thưa nửa rụng lá hoặc rừng khô ở vùng ven biển. Cây cũng được trồng để lấy sợi (Từ điển cây thuốc Việt Nam, 1997). Cây trưởng thành ra hoa quả hàng năm. Tái sinh tự nhiên tốt từ hạt.

Bộ phận dùng:

Rễ, vỏ, hoa, hạt và lá.

Thành phần hóa học

Hạt chứa 40% dầu, thành phần chính là acid sterculic, palmitic, oleic, linoleic và cafein [Võ Văn Chi, 1996, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tr 97], [Phạm Hoàng Hộ, 2006, Cây có vị thuốc ở Việt Nam, tr.103].

Theo các tác giả Trung Quốc, ngô đồng chứa nhiều triterpen [Trung dược từ hải, vol.3, p.209 – 212]. Ngoài ra còn tìm thấy β – amyrin, betain, cholin (CA, 1991, 115, 46076a) lupeol, octacosanol (CA, 1991, 114, 139814j), kaemferol – 3- O – β – D – rutinosid (CA,1991, 114, 244264C) [Fitoterapia 1990, 61 (4) 373], quercetin – 3- O – β – D – neohespe – ridosid, hyperosid và glucosamin [CA, 1991, 115, 46076a].

Tác dụng dược lý

Tác dụng chống loạn tâm thần:

Một neolignan mới là simplidin có tác dụng chống loạn tâm thần (antipsychotic effect) đã được phân lập từ cao n – butanol của thân cây ngô đồng (Son YK et al., 2005).

Độc tính cấp:

Cao chiết nước toàn cây ngô đồng (cả gỗ thân, cành và lá) thử trên chuột nhắt trắng tiêm tĩnh mạch có liều chết trung bình LD50 = 8,3g/kg thể trọng chuột [Kee Chang Huang, 1999: 124].

Tác dụng trên cholesterol huyết và huyết áp:

Cao chiết bằng ethanol toàn cây ngô đồng làm giảm hàm lượng cholesterol trong huyết tương, nhưng không ảnh hưởng đến hàm lượng triglycerid. Cao cũng có tác dụng giãn mạch, làm tăng lưu lượng mạch vành và làm giảm huyết áp ngoại biên [Tài liệu đã dẫn].

Tính vị, công năng

  • Rễ và vỏ cây ngô đồng vị đắng, tính mát, có công năng trừ phong thấp, tiêu viêm, sát trùng.
  • Hoa và hạt vị ngọt tính bình, có công năng nhuận phế, hoà vị, tiêu tích trệ.
  • Lá ngô đồng vị ngọt, tính bình, có công năng thanh nhiệt giải độc, an thần, giáng tiêu viêm, làm hạ cholesterol.

Công dụng

Rễ ngô đồng được dùng chữa thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, đau nhức xương. Ngày dùng 15 – 30g sắc lấy nước uống. Có thể dùng lá thay rễ còn dùng chữa lao phổi, thổ huyết, bạch đới, đòn ngã tổn thương.

Vỏ cây ngô đồng được dùng chữa trĩ, lòi dom, tóc bạc. Lấy vỏ cây hoặc vỏ cành bỏ lớp bần ở ngoài, chỉ lấy lớp trắng ở bên trong, đốt thành than nghiền thành bột trộn với dầu thực vật, rồi bối vào chỗ trĩ hoặc bôi vào chân tóc bạc.

Lá ngô đồng được dùng chữa cao huyết áp, bệnh mạch vành, tăng cholesterol huyết. Lấy lá ngô đồng 5 – 10g (10 – 20g tươi) sắc uống, ngày 1 thang. Để chữa thấp khớp đau nhức xương, suy nhược thần kinh, di tinh, bất lực, dùng 15 – 30g sắc uống, ngày một thang. Dùng ngoài, lấy lá khô, tán thành bột mịn hòa với mật ong bôi lên chỗ sưng tấy, mụn nhọt, lở loét.

Hoa ngô đồng được dùng chữa thuỷ thũng, bỏng chốc đầu, lở loét ngoài da. Để chữa thuỷ thũng, lấy hoa ngô đồng 10 – 15g sắc uống, ngày một thang. Để chữa bỏng, chốc đầu, lở loét, lấy hoa ngô đồng khô tán thành bột mịn, hòa với dầu thực vật bôi lên chỗ đau.

  • Ở Trung Quốc, rễ ngô đồng cũng được dùng để trị thấp khớp, đau nhức xương, chống sưng, phù, ngoài cách sắc uống, nếu là tươi, có thể dùng 30 – 60g giã nát, vắt lấy nước uống. Vỏ cây cũng được dùng chữa trĩ và tóc bạc sớm. Hạt được dùng chữa trĩ, viêm miệng, lở loét ngoài da.

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More