Nhàu nước
Tên tiếng Việt: Nhàu nước, Cây ruột gà
Tên khoa học: Morinda persicifolia Buch.-Ham. var. oblonga Pit.
Họ: Rubiaceae (Cà phê)
Công dụng: Tê thấp, đau lưng, nhức mỏi chân tay và chữa cao huyết áp, lỵ (cả cây).
Mô tả
- Cây nhỏ, cao 0,5 – 1m, cành lá sum sê. Cành mọc ngang, gập xuống, lúc non dẹt, sau tròn, nhẵn, màu nâu, có rãnh dọc. Lá mọc đối, hình mác, gốc thuôn hoặc hơi tròn, đầu nhọn, phiến lá đôi khi xẻ thuỳ, màu lục nhạt, dài 4 – 13cm, rộng 0,5 – 4,5cm, lá kèm ngắn.
- Cụm hoa mọc đối diện với lá, có cuống rất ngắn hoặc không cuống, hoa màu trắng hoặc hồng dính nhau bởi đài tạo thành một khối hình đầu sau hình trụ dài 1 – 2cm, rộng 5 – 8mm; đài có 5 răng ngắn, tràng có ống loe ở đầu, có lông ở mặt trong, nhị 5 thọt, bầu có 1 noãn ở mỗi ô.
- Quả thịt hình trụ gồm nhiều quả hạch dính nhau. cao 2 – 2,5cm, mặt ngoài lồi lõm.
- Mùa hoa tháng 1 – 5, mùa quả: tháng 6 – 7.
- Cây có nhiều thứ, nhưng thứ var. oblonga Pitard hay gặp hơn cả.
Phân bố, sinh thái
Nhàu nước có vùng phân bố từ Ấn Độ đến Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ở Việt Nam nhàu nước chỉ thấy ở các tỉnh thuộc Đồng bằng Nam Bộ
Nhàu nước là loại cây bụi thấp, phân cành nhiều. thường mọc rải rác hay thành đám dọc theo các bờ kênh rạch, bờ ao, bờ ruộng hoặc ven đường đi Cây ưa sáng, có thể chịu được úng ngập, vì khi mọc ở bờ kênh rạch, toàn bộ phần rễ và gốc đã ở trong môi trường đất ngập nước. Tuy vậy, cây không ưa loại đất phèn. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Quả chín rụng, phát tán theo dòng nước, khi hạt bám vào bờ đất mới nẩy mầm được. Cây có khả năng tái sinh chồi khoẻ sau khi chặt
Bộ phận dùng
Rễ thu hoạch vào mùa khô, tốt nhất là loại rễ lớn có đường kính 1cm.
Thành phần hoá học
Rễ nhàu nước chứa morindin, một dẫn xuất của trihyđroxyanthraqumnon và 2 dẫn xuất khác của anthraquinon có điểm sôi theo thứ tự là 222° và 270° (Võ Văn Chi, 1997).
Công dụng
Rễ nhàu nước được sử dụng ở miền Tây Nam Bộ để thay thế rễ nhàu chữa huyết áp cao bằng các chế phẩm cao lỏng, cao mềm, thuốc viên, thuốc nước, trà thuốc