Mô tả
Loài côn trùng cánh màng, có cơ thể trung bình dài 1 – 1,5cm, đít có nọc , hút mật các loài hoa để chế biến thành mật ong.
Theo phân loại khoa học, ong mật thuộc chi Apis (chi phổ biến hơn cả) gồm 4 loài chính:
- Apis cerana Fabricáis (ong mật, ong châu Á) với 3 giống là Apis cerana indica, A.cerana japónica và A. cerana sinensis.
- Apis dorsata (ong khoái).
- Apis florea (ong ruồi).
- Apis mellifera (ong châu Âu) với 3 giống chính là Apis melüfera ligustica, A.mellifera carnica và A.mellifera caucasia.
Theo kinh nghiệm dân gian, ong mật có nhiều loài. Ở miền Bắc, có ong mật (cơ thể nhỏ) cho mật màu trắng và ong khoái (loại to) cho mật màu vàng. Ở miền Nam, vùng rừng u Minh, có ong mật (loại to chiếm đa số) hút mật hoa tràm là chủ yếu, mật có màu vàng; ong ruổi nhỏ hơn, thân mình hơi dẹt, không giống con ong muỗi nuôi ở các tỉnh phía bắc, làm mật từ nhiều loài hoa, mật có màu vàng nâu, chất lượng tốt hơn.
Trong thời gian gần đây, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển ong (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phát hiện một loài ong mật chưa từng thấy ở Việt Nam. Loài ong này được nhân dân địa phương gọi là ong đá vì tổ thường được làm trong các hốc đá có cây rừng rậm rạp có độ cao 1270m so với mặt biển. Trước đây, loài ong này được tìm thấy ở dãy núi Himalaya, độ cao 3000-4000 m.
Trong mỗi đàn ong, có một ong chúa, hàng chục đến hàng trăm con ong đực và vài chục đến vài trăm nghìn ong thợ.
- Ong chúa là một loại ấu trùng ong được nuôi bằng loại thức ăn đặc biệt dưới dạng mật. Nó to và sống lâu hơn các con ong khác và chỉ làm nhiệm vụ đẻ trứng.
- Ong đực to hơn ong thợ, chỉ làm nhiệm vụ giao phối với ong chúa, sau đó thì chết.
- Ong thợ là những con ong không có khả năng thụ tinh, chuyên trách việc hút nhụy hoa, lấy phấn hoa, luyện mật hoa thành mật ong, sản sinh sữa chúa để nuôi ấu trùng,tiết sáp ong để xây tổ, hút nhựa cây để gán các tầng sáp, bịt kín các khe hở của vách tổ và bọc xác các côn trùng bị chết ở trong tổ để bảo vệ tổ khỏi bị mưa ướt, gió lạnh, chống mùi hôi.
Phân bố, sinh thái
Ong mật sống thành đàn có tổ chức. Ong sống hoang và từ lâu đã được nuôi ở nhiều nơi trên cả nước. Ong làm tổ chỉ chó một bánh hình lưỡi bò, kích thước lớn, có tổ dài đến 117cm, rộng 94cm, khác với tổ của các loài ong khác có hình bầu dục hoặc gần tròn. Để tránh rét, ong đá rời tổ vào tháng 8 và đến tháng 3 năm sau lại quay về tổ cũ.
Bộ phận dùng
Nhiều sản phẩm của ong mật được dùng phổ biến như mật ong, sáp ong, sữa ong chúa.
Mật ong: Tên thuốc quý trong y học cổ truyền là bách hoa tinh, bách hoa cao hay phong mật, là mật hoa được chế biến và đặc lại. Đó là một chất lỏng sánh, có màu trắng đục, vàng nhạt hoặc vàng sẫm, thơm đặc trưng của mùi mật ong, vị ngọt dịu, để lâu thành ngọt đậm, khé cổ, đường kết tinh ở dưới gọi là châu. Mật ong được dùng là mật ong thiên nhiên nguyên chất, đã được tiêu chuẩn hóa để ổn định thành phần của mật và bảo quản được lâu. Một lít mật ong dược dụng có trọng lượng trên 1,42kg, còn một lít mật ong thu mua bình thường chỉ nặng 1,2 – 1,3kg.
Cách lấy mật ong: Ong làm mật quanh năm , nhưng mùa thu hoạch mật tốt nhất là mùa xuân, hạ. Ở Miền Nam, mật ong được lấy vào từ tháng 2 – tháng 4 là mùa khô. người sành nghề lấy mật ong ở thiên nhiên, có kinh nghiệm xem bụng ong để biết đã đến lúc thu hoạch mật chưa. Nếu bụng ong có màu vàng nhạt là tổ mới bắt đầu làm, khắp bụng đều vàng bóng là tổ đã đầy mật, bụng vàng sẫm là tổ đã hết mật, ong sắp bỏ tổ.
Người ta hun khói để đuổi ong như kinh nghiệm của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vùng rừng u Minh. Họ thường cắt rễ cây gừa (Ficus microcarpa L. f.) một loài giống cây si, cây đa mọc ở ven biển, đem về phơi khô. Khi đi rừng lấy mật ong, họ mang rễ gừa theo người, rồi đốt lấy khói, hun lùa vào tổ ong. Khói rễ gừa sẽ làm ong cay khó chịu, sẽ bay ra khỏi tổ. Lúc này, họ sẽ cắt tầng sáp chứa đầy mật một cách dễ dàng, rồi bóp, vắt hoặc ép để lấy mật, lọc. Mật thu được có màu vàng thẫm, xỉn đục, chất lượng kém hơn vì có lẫn sáp, ấu trùng và một số tạp chất khác. Ở những kèo ong đặt tại rừng, người ta có thể thu dược 5-10 lít mật cho mỗi kèo. Một mùa hoa chính vụ có thể cho 3 lần thu hoạch mật.
Muốn có mật tốt, người ta cắt tầng sáp thành từng miếng nhỏ, đặt trên một vỉ bằng tre đan thưa, đem phơi nắng. Sáp trở nên mềm sẽ giải phóng mật chảy xuống đồ đựng ở bên dưới. Để bảo vệ, giữ nguyên tổ ong và các tầng sáp, ở đảo Phú Quốc, người đi lấy mật ong thường tìm đến những tổ lớn, dài, rồi cắm một ống dẫn miệng vát vào một góc tổ ở phía dưới. Mật ong sẽ theo ống dẫn chảy xuống vật đựng suốt cả ngày, có khi được 15 lít ở tổ lớn. Ở các cơ sở nuôi ong có quy mô công nghiệp, hiện nay người ta dùng máy ly tâm để lấy mật, vừa đỡ tốn công, được nhiều mật, vừa giữ nguyên được tầng sáp (ong không phải xây lại tổ), lại bảo đảm được chất lượng của mật (loại 1).
Cách thử mật ong để phát hiện thật, giả:
- Nhỏ vài giọt mật ong lên giấy thấm hoặc giấy bản, nếu là mật ong thật sẽ không có vết loang xung quanh giọt mật; ngược lại vết loang nhanh và rộng là mật có pha trộn.
- Nhỏ một giọt mật ong vào cốc nước trong, nếu giọt mật rơi ngay xuống đáy cốc là mật ong thật.
- Lấy một phần mật ong hoà đều với năm phần nước lọc. Để yên. Mật ong nguyên chất phải có dung dịch trong suốt. Nếu bị pha trộn, mật sẽ có cặn lắng dưới đáy dung dịch.
Xem thêm: Dễ dàng nhận biết mật ong thật, mật giả
Sữa ong chúa (sữa chúa, phong nhũ tinh): là chất lỏng, sánh, màu trắng dục đến ngà vàng, có giá trị cao nhất trong tổ ong.
Sáp ong (phong lạp): có thể chất mềm, hơi trong, mịn bóng như có dầu mỡ, màu vàng là hoàng lạp, màu trắng là bạch lạp, có mùi thơm của mật ong và nhựa thông.
Cách chế biến sáp ong: Lấy xơ mướp sạch xếp thành một lớp trên vỉ tre thưa đặt trong nồi hay chõ có sẵn nước. Tầng sáp sau khi đã lấy hết mật được rải đều và mỏng trên xơ mướp. Đậy vung nồi cho thật kín. Đun nước cho sôi. Hơi nước sôi bốc lên sẽ làm lớp sáp ong chảy thành giọt qua xơ mướp dể lại những cặn bẩn. Tiếp tục đun cho đến khi không còn mảnh sáp trên xơ mướp là được. Bắc nồi ra, để nguội. Sáp ong được sơ chế đóng thành váng trên mặt nước, dày hav mỏng tuỳ số lượng tầng sáp đem chế biến. Vớt sáp ra, đun cách thuỷ cho chảy, rồi đổ khuôn.
Keo ong (phong giao): là nhựa của các loài cây (nhất là các chồi mầm) do con ong nghiền nát luyện với sáp mà thành, có màu nâu hay vàng sẫm.
Nọc ong: là sản phẩm đặc biệt của cơ thể con ong. Đó là một chất lỏng rất sánh, không màu.
Phấn hoa: do con ong đi hút mật mang về với mục đích làm thức ăn nuôi ong con. Đó là những thỏi nhỏ, hình thoi, dài 0,6-0,8cm, hai đầu thuôn tù, màu vàng nhạt. Cách lấy phấn hoa do ong mang về: Ong thu các hạt phấn hoa, luyện thành thỏi đính vào hai bên sườn mang về tổ. Người ta lấy những thỏi phấn hoa này bằng cách làm hẹp lỗ ra vào của tổ ong, chỉ để vừa lọt thân con ong, khi ong chui vào tổ, hai thỏi phấn hoa mang bên mình sẽ bị rớt lại ở bên ngoài. Đem phấn hoa sấy ở nhiệt độ 40°c để bảo đảm phẩm chất.
Phương pháp nuôi ong
Phương pháp nuôi ong mật: Trong tự nhiên, người ta nuôi ong mật bằng cách đặt những kèo ở nơi có ong qua lại, yên tĩnh, ấm áp, khô ráo, không có gió mạnh, có nhiều ánh sáng. Ở rừng U Minh, hầu như gia đình nào cũng có kèo ong, có gia đình đặt 50-70 kèo ong ngay tại rừng. Còn ở đồng bằng, do thành phần các loại cây trồng ngày càng phong phú và đa dạng nên từ năm 1960, nuôi ong mật đã trở thành một nghề khá phổ biến. Người ta bắt những đàn ong đem về nuôi trong những thùng gỗ có nhiều cầu để ong làm tổ, nhả mật.
Những người nuôi ong mật có kinh nghiệm ở hải dương đã đề ra 4 bí quyết thành công như sau:
- Nguồn mật tốt: các cây có hoa đều cung cấp nguyên liệu (mật hoa, phấn hoa) cho đàn ong phát triển. Để thu được nguồn mật ong thượng phẩm, cần có những cây có nguồn mật chủ yếu. Ở đồng bằng là những cây táo, nhãn, vải, đay, bạch đàn. ở vùng biển có sú, vẹt, tràm.
- Giống tốt: Thể hiện ở đàn ong mạnh với một số tiêu chuẩn như số lượng con ong đông, cầu ong dày (từ 3 cầu trở lên). Trên cầu, ong phủ sáp và mật dày đến mức khó nhìn thấy các lỗ tổ làm cho ong thường không bị bệnh tật. Ong chúa trẻ và khỏe, có kích thước lớn và dài. Thức ăn để nuôi ong chúa phải có đầy đủ các chất từ khi còn là ấu trùng đến lúc trưởng thành.
- Chăm sóc tốt: Đặt tổ ong tốt nhất là dưới bóng cây to, rậm rạp. Thường xuyên theo dõi để chống kiến và các côn trùng khác xâm nhập vào tổ ong. Để thúc ong chúa mau đẻ và ong thợ xây thêm cầu ong mới, có thể cho ong ăn thêm đường vào ban đêm.
- Khai thác tốt: Việc thu mật ong đúng lúc là rất quan trọng. Nếu thu quá sớm, khi nguồn mật chín trong thiên nhiên chưa có sẽ làm ong đói, dần dần yếu đi và dễ mắc bệnh. Nếu thu quá muộn sẽ lãng phí nguồn mật và làm đàn ong quá mạnh sẽ dẫn đến tình trạng ong không chịu đi lấy mật, sớm chia đàn và ảnh hưởng đến năng suất thu mật, thậm chí có thể thất thu.Để đàn ong thêm khỏe, sinh sôi nảy nở nhanh và thu được nhiều mật , người ta đã di chuyển đàn ong đến những vùng có nhiều hoa theo từng mùa, từng vụ.
Thành phần hóa học
- Mật ong chứa 0,4% protid, 80% đường chủ yếu là glucose, levulose ( nếu tỷ lệ saccharose cao thì do ong được nuôi bằng đường trắng )
- Sữa ong chúa có acid amin , trong đó nhiều loại cơ thể không tổng hợp được nhất là cystein. Acid hữu cơ, vitamin , ( nhất là vitamin B2 ) đường ( ít hơn ), chất mỡ , các kích thích tố , một số enzym , muối khoáng.
- Sáp ong chúa chứa nhiều vitamin A , các acid béo no và không no, các chất cerin, myricin, cerolein. Cerin là hỗn hợp các chất ester cerotat ceryl và melissatcerryl. Cerolein gồm các hợp chất oleic
- Keo ong có 50 -55% dầu nhựa, 8-10 % tinh dầu , 30% hợp chất , 5% phấn hoa .
- Nọc ong chứa albumin mellitidin, chất béo , các chất có cấu tạo steroid, muối vô cơ và hơn 20 loại acid amin
Tính vị, công năng
- Mật ong có vị ngọt, tính bình, không độc, vào 5 kinh tâm, phế, tỳ, vị và đại tràng, có tác dụng bổ dưỡng, dễ tiêu, kháng khuẩn, làm se.
- Sữa ong chúa có vị ngọt, hơi chua, hơi khé cổ, có tác dụng bổ dưỡng cao, tăng trọng, kích thích và điều hoà.
- Sáp ong có vị ngọt, hơi ấm, không độc, có tác dụng tiêu độc, làm se, cầm máu, chống loét.
- Keo ong có vị nhạt, có tác dụng sát khuẩn, kích thích hệ miễn dịch, bảo vệ và phục hồi sự phát triển của da.
- Nọc ong có vị đắng, có độc, có tác dụng giảm đau, chống viêm, bình suyễn, trừ thấp.
- Phấn hoa ong mang về có vị nhạt, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức, có tác dụng kích thích tiêu hoá.
Công dụng
Công dụng của mật ong
Từ thời thượng cổ, mật ong đã được công nhận là món ăn ngon, dễ tiêu hoá, có nhiều chất bổ và là một vị thuốc quý.
Thuốc bồi dưỡng: Đường trong mật ong làm mạnh các tế bào và bắp thịt, các vitamin tăng cường sức chống đỡ của cơ thể, chất albumin và acid panthotenic góp phần vào việc cấu tạo và hình thành các tế bào mới, các muối khoáng, đạm thực vật rất cần thiết cho con người. Hàng ngày, cho trẻ nhỏ uống 1-2 thìa cà phê mật ong, trẻ sẽ chóng lớn, ít mắc bệnh. Những người muốn bồi bổ cơ thể, những người mới ốm dậy cần phục hồi sức khoẻ mau chóng, thường dùng mật ong đánh nhuyễn với trứng gà hoặc mật ong ngâm rau thai để ăn. Người bị lao dùng mỗi ngày 100-150g mật ong làm hồng cầu tăng nhanh, sức khoẻ chóng hồi phục.
Mật ong phối hợp với cao kim anh với tỷ lệ 90 % mật và 10 % cao là thuốc bổ thận, chữa bệnh suy nhược thần kinh, di mộng tinh. Mật ong – cao xương và mật ong – cao ban long (sản phẩm dã được sản xuất và lưu hành) lại dược dùng cho cơ thể bị suy nhược của người già yếu, phụ nữ đang nuôi con, trẻ em chậm lớn.
Đối với người cao tuổi, mật ong được coi như vị thuốc có khả năng kéo dài tuổi thọ. Những người sống trên 100 tuổi ở Liên Xô trước đây đa số là người chăn nuôi gia súc ở vùng núi cao và người làm nghề nuôi ong vì họ thường xuyên uống mật ong. Ở Trung Quốc, có bài thuốc bổ ngũ tạng, ích khí huyết, làm đẹp da, mượt tóc gồm mật ong (15 g), váng sữa (20 g), gạo nếp (100 g). Tất cả nấu thành cháo ăn trong ngày.
Thuốc kháng khuẩn: Mật ong nguyên chất càng để lâu, càng quánh đặc, không bị chua. Người ta đã phát hiện được mật ong để trong một kim tự tháp ở Ai Cập hơn 3000 năm mà không bị hư hỏng, biến chất, màu sắc và mùi vị vẫn thơm ngon. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh mật ong hay dung dịch chứa từ 30% mật ong trở lên là môi trường mà số đông các vi khuẩn và nấm không thể phát triển được. Điều đó giải thích rằng trẻ em đang bú mà bị tưa lưỡi (do một loại nấm), bôi mật ong vài lần là khỏi. Hoặc những vết loét ở miệng, lưỡi, lợi cũng bị đẩy lùi bởi dung dịch Miel – rosat gồm mật ong và bột hoa hồng đỏ (một loại thuốc cổ điển của y học hiện đại).
Những vết thương, vết mổ được băng bó bằng mật ong sẽ chóng khô, sạch và không có mùi hôi, vì mật ong đã hút nước và vi khuẩn chống được sự lây lan. Giáo sư người Pháp Bernard Descottes, Trưởng khoa phẫu thuật của Bệnh viện Limoges (Pháp) đã chữa cho hơn 300 bệnh nhân bằng mật ong, kết quả là 95% vết thương đã khỏi nhanh chóng sau 8-10 ngày so với cách điều trị thông thường. Và một bác sĩ người Mỹ, Richard Knutson, cũng đã nói Mật ong có khả năng chữa những vết thương khó trị.
Ở một số bệnh viện tại Liên Xô trước đây, mật ong được bào chế dưới dạng thuốc mỡ để điều trị các vết thương do súng đạn. Một nhóm bác sĩ phẫu thuật Ấn Độ đã dùng mật ong để bảo quản da sống ghép còn thừa ở nhiệt độ bình thường.
Thuốc làm se: Các men trong mật ong đã tham gia vào quá trình tiêu hoá của cơ thể, chuyển đường đa và tinh bột thành đường đơn dễ hấp thu. Dùng mật ong đều đặn hàng ngày có tác dụng điều hoà hoạt động của ruột non và chữa được táo bón. Đặc biệt, mật ong được dùng khá phổ biến để chữa bệnh viêm loét dạ dày và tá tràng. Cuốn “Chỉ bảo thư” của Ebcras cách đây 3500 năm đã viết ” mật ong không những là môn thuốc bổ mà còn có khả năng chữa mau lành các vết loét”. Người ta thấy rằng mật ong làm giảm và đưa độ acid của dịch vị trở lại bình thường, nên làm dịu các cơn đau. Nó còn có tác dụng kháng khuẩn mạnh và với độ sánh đặc cao, đã bao che vết loét, làm chóng lành. Nhiều thí nghiệm thực tế đã chứng minh mật ong chữa viêm loét dạ dày – tá tràng tốt hơn so với các phương pháp khác, tỷ lệ khỏi bệnh tăng gấp rưỡi, nhất là bị viêm loét ở thời kỳ còn nhẹ, người bệnh chóng lên cân, độ chua của dịch vị mau trở lại mức bình thường.
Trong cao dạ cẩm (thuốc chữa viêm loét dạ đày – tá tràng), mật ong chiếm tỷ lệ 10 %, góp phần quan trọng vào việc giảm đau và làm se vết loét . Mật ong phối hợp với nghệ vàng hoặc trứng gà càng làm tăng hiệu lực tác dụng và kết quả diều trị, vì nghệ cũng là một vị thuốc mạnh dạ dày, giúp tiêu hoá; trứng gà có tác dụng bồi dưỡng , tăng cường thể lực (tác dụng chính của lecithin trong lòng đỏ trứng gà) và chống loét (do albumin và đặc biệt là vitamin U trong lòng trắng trứng). Cần chú ý là phải dùng mật ong kiên trì và liên tục, vì viêm loét dạ dày và tá tràng là một bệnh mạn tính. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ hai đến ba tháng hoặc hơn nữa. Mỗi ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 1-2 thìa trước bữa ăn. Kiêng các chất cay, nóng.
Ngoài ra, mật ong còn là một thành phần tá dược trong nhiều loại thuốc viên, thuốc tễ, thuốc ho trẻ em, rượu bổ với tác dụng làm ngọt, dễ uống. Mật ong (10 g) hoà vào dịch một quả chanh và ít nước sôi để nguội, ngày uống hai lần làm sỏi thận nhỏ dần và bài tiết ra ngoài (Kinh nghiệm của ông Tôn Thất Đảng, Hội nuôi ong Đà Nẵng). Có quan niệm cho rằng mật ong rừng tốt hơn mật ong nuôi, vì mật ong rừng được tạo nên bởi mật của nhiều loài hoa nên thành phần rất phong phú, còn mật ong nuôi thường chỉ gồm mật của 1-2 loài hoa theo vụ, chưa kể là ong còn được nuôi bằng đường hoặc mật mía. Và cũng có người cho rằng mật ong dưới dạng thuốc tiêm chống histamin tốt hơn pipolphen và thiantan. Mật ong và tép bưởi có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho, tiêu đờm, nhuận phổi theo cách làm sau: Tép bưởi (500 g) cho vào một ít rượu, ngâm một đêm. Sau đó, đun nhỏ lửa cho bay hết rượu, rồi trộn với mật ong (250 g), ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20 g. Mật ong trộn đều với nước ép cùi vải tươi (lượng mỗi thứ bằng nhau), đun sôi, dể nguội, đựng trong lọ kín trong 30- 40 ngày cho dung dịch đóng kết lại. Mồi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa con vào lúc đói. Chữa da mặt khô, nháp, chống nếp nhăn (Tài liệu nước ngoài).
Công dụng sữa ong chúa
Sữa ong chúa được coi là loại thuốc bổ cao cấp có tác dụng kích thích phần giữa của não, tuyến yên dưới não và tuyến thượng thận, tăng cường tuần hoàn huyết dịch và điều hoà chức năng của các cơ quan trong cơ thể bị lão hoá, được dùng cho những người mới ốm dậy, người già yếu, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh đẻ bị thiếu máu, ít sữa, kém ăn, mất ngủ. Thuốc còn có khả năng kìm hãm một số vi khuẩn gây bệnh, giảm hiện tượng stress ở người lao động quá mức và cải thiện hệ thống miễn dịch. Liều dùng thông thường hàng ngày là 2-3 ml.
Sữa ong chúa đã được sản xuất dưới dạng biệt dược có tên là Apilat, Apilarnil, Vita – apinol. Viện Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi đã thử nghiệm trên lâm sàng thuốc bổ ” Sữa ong chúa – đinh lăng” thấy có tác dụng tốt làm ăn ngon, dễ ngủ, đỡ mỏi mệt, tăng cân, tăng lực cơ, giảm cholesterol. Thuốc gồm có sữa ong chúa (2,5 %), dịch chiết rễ đinh lăng (5 %), mật ong (15 %), cồn (10 %) và tá dược vừa đủ 100 %.
Sữa ong chúa còn được chế biến thành bột ở dạng đông khô và đóng thành viên, mỗi viên có 0,06g sữa ong chúa dùng để chữa một số bệnh thần kinh, rối loạn tiêu hoá, thiếu máu, đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi. Để làm cho da dẻ mịn màng, chữa tàn nhang, trứng cá ở phụ nữ, viêm da có mủ, mụn nhọt và chàm nhẹ ở trẻ sơ sinh, có thể dùng dạng kem sữa ong chúa 3% để bôi hàng ngày. Tuy là loại thuốc bổi dưỡng quý hiếm, nhưng sữa ong chúa lại cung cấp cho cơ thể lượng nhiệt năng rất lớn, nên khi dùng phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng, thời gian điều trị, nhất là đối với người có bệnh cao huyết áp, bệnh về huyết quản.
Theo tài liệu nước ngoài, sữa ong chúa tương tự như hormon, có khả năng điều hoà kinh nguyệt và kích thích sinh dục trong một số trường hợp. Uống sữa ong chúa thấy bệnh trạng thuyên giảm rõ rệt ở người mắc bệnh liệt rung (Parkinson) và bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ. Còn đối với người bị liệt dương, sữa ong chúa làm khả năng sinh dục dần dần dược hồi phục.
Lưu ý: Người bị dị ứng với thuốc, bị bệnh hen, bệnh Addison do suy giảm về mặt nội tiết của vỏ thượng thận, phụ nữ đang hành kinh cũng không được dùng sữa ong chúa để tránh những phản ứng phụ không có lợi cho sức khoẻ.
Công dụng của sáp ong
Những loại thuốc tễ, thuốc hoàn to và dẻo như quy tỳ hoàn, hà xa đại tạo hoàn được bao bằng sáp ong có thể bảo quản được rất lâu, chất lượng cần được bảo đảm. Sáp ong tham gia vào thuốc dán, thuốc mỡ như một chất kết dính. Để chữa bệnh, có thể dùng nguyên tầng sáp hoặc sáp đã chế biến.
Tuệ Linh (Nam dược thần hiệu) đã dùng tầng sáp đốt thành than, tán nhỏ, cho trẻ uống với sữa (trẻ con nhỏ) hoặc nước cơm (trẻ đã lớn) với liều 4g trong một ngày để chữa viêm họng, bí đại tiểu tiện. Tầng sáp nướng lên, xác ve sầu (thuyền thoái) bỏ miệng và chân, đem sao, hai thứ lượng bằng nhau, tán riêng, rây bột mịn, rồi trộn đều; ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g với rượu chữa đa khô, nóng và ngứa ngáy. Tầng sáp phối hợp với tóc rối, xác rắn lột, lượng bằng nhau, đốt tồn tính tán bột, uống mỗi ngày 4g với rượu lại chữa miệng lưỡi lở loét.
Theo kinh nghiệm dân gian, sáp ong (20 g) tán nhỏ, uống với rượu hâm nóng chữa băng huyết. Sáp ong (10 g), rễ câu đằng (20 g, sao vàng), bổ kết (2 quả cả hạt, sao giòn). Tất cả tán nhỏ, trộn đều, đốt xông khói qua đường tai chữa viêm tai. Sáp ong và nhựa thông (lượng bằng nhau) nấu cho tan, rồi bói vào đầu ngón tay, ngón chân chữa chín mé.
Ngoài ra, sáp ong với nha đam tử còn có tác dụng chữa kiết lỵ có máu mủ, rong huyết; với phèn phi chữa ung nhọt.
Theo tài liệu nước ngoài, người ta đã sáng chế một loại “băng sáp ong” để trị vết thương bằng một vật liệu đặc biệt không phải sợi vải hay bông mà gồm nhiều mảnh li ti được tẩm sáp ong. Ưu điểm của loại băng này là giữ được thời gian lâu ở vết thương. Sau khoảng 70 giờ mói phải thay băng khác. Thuốc có tác dụng giảm đau rõ rệt, chống viêm nhiễm và liền sẹo nhanh.
Công dụng của keo ong
Keo ong là thuốc diệt khuẩn tự nhiên, làm tăng tác dụng của một số thuốc kháng sinh và kích thích hệ miễn dịch. Dầu keo ong gồm keo ong 40% tán nhỏ, trộn với dầu thực vật (dầu lạc hoặc dầu vừng) 60 %, đun nhỏ lửa cho tan keo, để nguội, được dùng chữa các thể chàm và một số bệnh ngoài da khác như mụn rộp, eczema .
Keo ong cắt nhỏ cho vào 10 % nước sôi để nguội, chưng cách thuỷ, khuấy đều bằng đũa tre cho tan keo. Ngày dùng 3-4 lần, mỗi lần 30-40 giọt để chữa bệnh đau dạ dày. Rượu keo ong 10 % và 30 % được điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ với kết quả rất tốt (theo các giáo sư người Nga V.M. Frclov và N.A. Perassadin). Rượu keo ong 40 % dùng kéo dài với liều 5-10 ml hàng ngày lại có tác dụng ức chế khối u, ung thư tuyến tiền liệt. Keo ong dùng dưới dạng xông hơi, viên ngậm để điều trị các bệnh đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm phế quản. Keo ong còn chữa chứng hôi hơi thở, bệnh Aptech và có khả năng chống virus gây bệnh.
Công dụng của nọc ong
Nọc ong được dùng từ lâu ở nhiều nước châu Á và châu Âu để chữa nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh thấp tim, viêm đa khớp, viêm dây thần kinh, hen suyễn, đau cột sống, cao huyết áp. Bằng phương pháp đơn giản, mỗi khi cần chữa bệnh, người ta thường cho ong đốt trực tiếp tại chỗ giống như hình thức châm cứu.
Nhiều nước trên thế giới đã cho ong đốt chữa bệnh theo phác đồ điều trị sau: Đối với bệnh viêm dây thần kinh, cho ong đốt dọc theo đường đi của dây thần kinh bị viêm. Để chữa cao huyết áp, cho ong đốt vào vùng trên ngoài của chân, vùng trước dưới đùi hoặc vùng cổ tay. Chữa hen phế quản, cho ong đốt dọc hai bên xương sống cách 2 cm. Chữa đau khớp, đau lưng, cho ong đốt vào các đốt xương đau và dọc xương sống. Chữa suy nhược thần kinh, cho ong đốt ở vùng vai, đỉnh đầu và dọc xương sống.
Nhiều người lại tiêm nọc ong vào các vùng đau đặc biệt trên cơ thể để điều trị. Do làm giãn các mao quản, đưa nhanh máu đến bộ phận bị tổn thương, nên nọc ong có lác dụng giảm đau. Các nhà khoa học Liên Xô trước đây cho rằng nọc ong có khả năng chống viêm, tăng sức đề kháng như cortison, nhưng lại tốt hơn vì với liều quy định, nọc ong hầu như không gây tai biến. Người ta thấy rằng những người nuôi ong và lấy mật ong thường bị ong đốt nhiều lần, nhưng lại có sức khoẻ tốt, sức đề kháng cao, sống lâu, ít mắc các bệnh hen suyễn, thấp khớp.
Dung dịch nọc ong với nồng độ 1/50 là thuốc diệt khuẩn. Nọc ong dưới dạng tiêm đôi khi được phối hợp với châm cứu rất tốt. Nọc ong còn được chế biến thành nhiều dạng thuốc khác nhau như nhũ dịch, dầu bôi…. để dùng. Do nọc ong có tính độc, lại tùy thuộc vào liều lượng sử dụng và mức độ cảm thụ của cơ thể từng người, nên việc chữa bệnh bằng nọc ong phải hết sức thận trọng, nhất thiết phải theo sự hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc. Phụ nữ có thai, người bị bệnh lao, bệnh gan không dược dùng nọc ong.
Cách xử trí đơn giản khi bị ong đốt : Người bị ong đốt thấy da ở chỗ bị đốt mẩn (lò, nóng, sưng lên và đau buốt như bị bỏng. bị nhiều ong đốt một lúc có thể bị sốt cao, vật vã đau đớn. Theo kinh nghiệm dân gian, lấy vôi ăn trầu bôi vào. Hoặc lấy lá sắn dây (30- 50 g) rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp vào chỗ ong đốt. ít phút sau, vết thương sẽ đỡ đau buốt.
Công dụng phấn hoa do ong mang về
Phấn hoa do ong mang về được đùng làm thuốc bổ, tăng cường sức chống đỡ với bệnh tật, chữa suy dinh dưỡng dưới dạng nguyên bản của thỏi phấn được gọi là “viên phấn hoa”, được sấy khô ở nhiệt độ 40°c để diệt men và dùng ngay không cần phải chế biến. Hoặc trộn phấn hoa (25 g) với mật ong (50 g) thành dạng đặc biệt là lương ong để dùng trong một ngày.
Một bệnh nhân bị bệnh đái đường, sau khi uống liên tục một thời gian dài, mỗi ngày khoảng 4 thìa cà phê bột phấn hoa, đã khỏi bệnh. Phấn hoa (32 g) phối hợp với sữa ong chúa (10 mg) chia thành hai lần uống trong ngày chữa liệt dương. Ngoài ra, ong non còn gọi là nhộng ong, có vị hơi ngọt, lạnh, không độc, đôi khi cũng được dùng để sát khuẩn, chống tổn thương suy yếu nội tạng, ích khí, chống già, làm nhan sắc tươi đẹp, (da dẻ mịn màng. Người dân ở tỉnh Bình Thuận rất thích ăn ong non dưới dạng sống hoặc tẩm bột và bơ rồi chiên vàng dể làm thuốc bổ.
Ở Trung Quốc, các sản phẩm của ong cũng được sử dụng dể chữa nhiều bệnh. Mật ong (2 thìa), nước gừng tươi (1 thìa), trộn với nước sôi (3 thìa) uống hết làm một lần, ngày 4-5 lần, trị nôn mửa không cầm. Mật ong (90 g) đổ vào nước sắc cam thảo tươi (15 g) và trần bì (10 g), khuấy đều, uống làm 3 lần trong ngày, chữa loét dạ dày, tá tràng. Để chữa viêm mũi, mỗi ngày 3 lần nhai một miếng tầng ong khoảng 10 phút, rồi nhả bã. Tầng ong có cả ấu trùng (10 g) sắc với 100 ml nước trong 3 phút, vớt bỏ bã, thêm 50 g đậu phụ, 20 g đường trắng. Đun sôi 10 phút. Uống ngày hai lần. Chữa ho gà. Đặc biệt, ấu trùng ong (3-5 con) nghiền nát với ít đường trắng, ăn chữa xuất huyết.
*Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.