10 November 2022

0 bình luận

Ớt làn lá to

10 November 2022

Tác giả: thuc


Ớt làn lá to

Tên tiếng Việt: Mức trâu, Cây hạnh phúc, Đuôi dơi, Dùi đôi

Tên khoa học: Kibatalia macrophylla (Pierre in Planch. ex Hua) Woods.

Tên đồng nghĩa: Kibatalia anceps (Dunn et Williams) Woods.

Họ: Trúc đào (Apocynaceae)

Công dụng: Lợi sữa, bổ (Thân sắc, nấu cao uống). Cầm máu (Lá, nhựa bôi).

 

 

Mô tả

  • Cây nhỏ, cao 2-4m, có khi hơn. Thân, cành nhẵn, cành non dẹt, màu xanh lục, cành già màu nâu sẫm, có nốt sần. Lá to, mọc đối, cuống ngắn, hình bầu dục hoặc hình mác, dài 15-35cm, rộng 9-12cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt có gân nổi rõ; cuống lá dài 0,7- 1,4cm.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim; hoa màu trắng vàng hoặc vàng lục; lá bắc rất nhỏ; đài hình chuông, chia 5 răng nhỏ; tràng có ống hẹp, 5 cánh khi nở gập xuống dưới; nhị 5, đính ở họng tràng; bầu có 2 ô.
  • Quả đôi gồm 2 đại dẹt, chẽ ngang, dài 8-18cm; hạt có chùm lông rất dài. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Mùa hoa: tháng 5-6; mùa quả: tháng 7-8. Tránh nhầm với cây mức hoa trắng.

Phân bố, sinh thái

Paravallaris Pierre là một chi nhỏ gồm các loài phân bố chủ yếu ở vùng Đông – Nam Á và Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam mới chỉ có 3 loài. Ớt làn lá to phân bố từ tỉnh Quảng Tây, Vân Nam – Trung Quốc đến các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du ở Bắc Việt Nam và Hạ Lào. Cây thường mọc rải rác ở ven rừng, rừng thứ sinh và đôi khi ở đồi cây bụi.

Ở một vùng rừng non đang phục hồi thuộc huyện Tân Lạc – tỉnh Hoà Bình, Ớt làn lá to chiếm một tỷ lệ khá cao trong số các loại cây gỗ và bụi lớn ưa sáng. Cây thường mọc trên đất còn tương đối màu mỡ. Khi có những cây gỗ mọc nhanh, vượt lên tạo thành tán rừng mới, ớt làn sinh trưởng chậm lại và dần dần bị đào thải. Cây chỉ có nhiều hoa quả ở nơi có đầy đủ ánh sáng, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Sau khi bị chặt phá nhiều lần, phần gốc còn lại có khả năng tái sinh cây chồi khoẻ.

Bộ phận dùng

Thân cây và nhựa mủ.

Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, thân cây ớt làn lá to được dùng làm thuốc kiện tinh bổ thận, lợi sữa. Thân cây lấy về cạo sạch vỏ ngoài, chặt thành từng đoạn dài 10-20cm phơi hoặc sấy khô. Khi dùng thái thành phiến mỏng, sao qua cho thơm rồi sử dụng theo các bài thuốc sau :

  1. Thuốc kiện tinh mạnh gân cốt: Thân cây ớt làn lá to 10g, thân cây bọt ếch 10g, rẽ khúc khắc 10g, rễ cây trinh nữ 10g, rễ bạch đồng nữ 8g, quả tơ hồng vàng 8g. Tất cả nấu với 2 lần nước, rồi cô thành cao lỏng. Uống làm 2 lần trong ngày. Có thể tán dược liệu thành bột mịn, luyện với hồ làm viên uống.
  2. Thuốc bổ thận và bổ thần kinh: Thân cây ớt làn lá to 1kg, quả tơ hồng vàng 1kg, ba kích 0,5kg, lạc tiên 0,5kg, đỗ đen sao cháy 0,5kg. Nấu với 2 lần nước rồi cô lại còn 700ml dung dịch. Lọc, thêm 300ml sirô được 1 lít cao. Ngày uống 40ml chia làm 2 lần.
  3. Thuốc tăng tiết sữa : Thân cây ớt làn lá to, rễ cây bổ béo, rễ xích đồng nam, rễ hà thủ ô trắng (liều lượng bằng nhau) sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày. Nhựa cây ớt làn lá to được dùng cầm máu khi bị đỉa cắn.

Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More