Mô tả cây
Cây gỗ cao 30-35m, thân gỗ có đường kính 40-80cm, cành mảnh khảnh, có lông mềm màu hung, lông hình sao, có ở ngọn, sau nhẵn và hình trụ. Lá mũi mác, thuôn dài, hẹp dần, tù ở gốc, dài 7-14cm, rộng 20-50mm dai, lúc đầu có lông hình sao, sau không lông ở phía trên, có nhiều lông mềm hơn ở mặt dưới, gân phụ 10-13 đôi. Cụm hoa mọc ở đỉnh với 6-8 hoa, nụ hình nón ngược hay trái xoan, đài hình chuông, rất nhiều lông mềm, 6 thuỳ hình 3 cạnh, cánh hoa 6, hình mắt chim, nhị có nhiều gân bằng nhau, nhị bầu xù xì có 5-6 ô, quả nang hình trứng dài 12mm, tụt vào trong dài tới 1/3.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Mọc hoang dại hầu như ở khắp nước ta nhưng nhiều nhất ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc.
- Còn thấy mọc ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ.
- Chủ yếu là lấy gỗ loại gỗ hồng sắc nhân dân miền nam thường dùng vỏ thân và lá dùng làm thuốc chữa bỏng, lỵ.
Thành phần hoá học
- Hoàng Như Mai (1983) đã phân tích thấy: trong vỏ thân có ancaloit, flavonoit, axit hữu cơ, tannin, saponin, cumarin và steol. Trong đó tanin catechic và garlic chiếm 30,5% chủ yếu là tanin catechic 23%, tanin garlic 7%. Axit hữu cơ biểu thị bằng axit malic 4,22%, tổng số đường 14,2% trong đó đường khử 13,2%, saccaroza 0,95%, chất nhầy 2,76%, gôm 3%, pectin 2,81%
- Trong lá và hoa cũng có những chất như trong vỏ thân nhưng với tỷ lệ thấp hơn: tannin catechic và garlic 5,42% trong đó tannin catechic chiếm 76%, tannin garlic 24%, axit hữu cơ 2,83% (lá), đường 5,8% trong đó đường khử 5,2%, saccaroza 0,57%, chỉ số bọt dưới 100, nhưng gôm chất nhầy trong lá cao hơn trong vỏ thân: chất nhầy 3,25%, gôm 3,7%, pectin 6,51%
Tác dụng dược lý
- Cũng Hoàng Như Mai đã theo dõi thí nghiệm tác dụng kháng khuẩn của nước sắc vỏ thân: 3:1, lá và hoa 2:1 in vitro đối với nhiều nòi vi khuẩn hay gặp trên vết thương và gây bệnh đường ruột (Staphylococcus aureus 209P, Proteus shigae,vulgaris, Proteurs aeruginosa, Shigella shigigae, sonnei, flexneri, E. Coli 086, Salmonella typhi, B. subtilis) đều thấy có tác dụng kháng khuẩn với mức độ khác nhau. Thí nghiệm còn cho thấy tannin trong sàng lẻ là một trong các thành phần có tác dụng kháng khuẩn của cây.
- Tác dụng thể hiện trên nhiều nòi vi khuẩn đã kháng các kháng sinh thông thường (penixilin, streptomyxin, tetracylin) trong đó có Staphyllococcus aureus. So với một vài dược liệu khác (muồng trâu, chút chit, bạch hạc, nhựa chuối tiêu, trầu không) sàng lẻ có tác dụng kháng khuẩn tương đối mạnh, nồng độ tối thiểu ức chế vi sinh vật phát triển tương đối thấp
- Sàng lẻ còn có tác dụng đối với một số nấm gây bệnh ngoài da hay gặp (Candida albicans, Trichophyton rubrum, Trichophyton gypseum, Epidermophyton inguinale) so sánh với một vài dược liệu thường được dùng trong nhân dân để chữa hắc lào, sàng lẻ có tác dụng mạnh hơn.
- Những thí nghiệm còn cho kết luận rằng những hoạt chất kháng khuẩn của sàng lẻ hoà tan trong nước và chịu được nhiệt đun sôi trong 2-3 giờ.
- Cao lỏng sàng lẻ 2:1 có tác dụng ức chế phản ứng viêm do kaolin trên chân chuột, LD50 của vỏ sàng lẻ là 60g/kg
- Thí nghiệm thử độc tính bán cấp và trường điễn không thấy có ảnh hưởng gì đặc biệt.
- Thử tác dụng điều trị bỏng thực nghiệm của sàng lẻ cho thấy cao lỏng vỏ sàng lẻ: 3:1 tạo thành một màng mỏng chóng khô ở chỗ bôi, bản thân sàng lẻ lại có tác dụng kháng khuẩn nên hạn chế được rõ so với lô đối chứng nhưng cao sàng lẻ giúp cho quá trình liền sẹo nhanh và tốt hơn, không có trường hợp nào phát hiện thấy có sẹo xấu, lỗi hoặc co.
Công dụng và liều dùng
- Theo kinh nghiệm của nhân dân, sàng lẻ được áp dụng chữa bệnh nấm ngoài da (dùng cồn sàng lẻ 30%) bôi lên nơi tổn thương, ngày 2 lần, kết quả thu được rõ hơn là dùng cồn chút chít và bạch hạc
- Điều trị trực khuẩn: ngày uống từ 10-15 viên, mỗi viên tương đương với 1,5g dược liệu khô. Thời gian hết khuẩn Shigella ngắn hơn so với dùng cloroxit hay ganidan. Thời gian điều trị 10-15 ngày. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi dùng với liều 3-6 viên/ ngày. Dùng liền 5-7 ngày.