10 November 2022

0 bình luận

Sơn dương

10 November 2022

Tác giả: thuc


Sơn dương

Tên tiếng Việt: Sơn dương

Tên khoa học: Capricornis sumatrensis Béchtein

Họ: Bò (Bavidae)

Công dụng: Tiết dùng chữa trúng độc do ăn phải nấm độc hoặc thức ăn có độc. Sừng chữa sốt cao, sơn lam chướng khí. Cao chữa thiếu máu, đau lưng, tê thấp, nhức mỏi gân xương, làm vết thương mau lành.

 

Mô tả

  • Thân nhỏ gọn, cao khoảng 50 cm, nặng 80 – 130 kg. Đầu to, hơi dài, mõm nhọn, tai giống tai lừa, cổ to, chân ngắn, sừng phân nhánh, cong về phía sau, màu đen, ở gốc sừng có tuyến hôi, bờm ngắn phủ từ trán đến vai. Từ gốc tai đến dưới mõm và xung quanh mắt mũi có lông dài màu vàng nhạt, trên trán có lông màu trắng; đuôi rất ngắn.
  • Bộ lông sơn dương dày, dài và cứng, màu xám đen hoặc xám tro.

Phân bố, sinh thái

  • Sơn dương phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Nepal, Mianma, Lào, Malaysia, Indonesia, ở Việt Nam, sơn dương có ở Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Kon Tum, Gia Lai…
  • Sơn dương sống ở rừng núi đá, thường gặp ỏ lưng chừng núi, đôi khi trên đỉnh núi. Nơi ở của nó là những hang hốc nhỏ. Sống theo đàn 3-4 con, có khi hàng chục con; con già thường sống đơn độc, kiếm ăn vào ban ngày, thường không xa nơi ở. Thức ăn chủ yếu là cỏ, lá, mầm và quả cây, rêu.
  • Sơn dương sinh sản vào tháng 3-4, mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa 1 con.

Bộ phận dùng và tính vị, công năng

Xương sơn dương (sơn đương cốt) có vị ngọt, cay, tính ấm, có tác dụng mạnh gân cốt, trừ thấp, giảm đau. Thịt có vị ngọt, tính nhiệt, không độc, có tác dụng bổ dương, ích khí, trừ lam chướng.

Sừng (linh dương giác) có vị mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng phong nhiệt, trấn kinh, loạn huyết.

Tiết có vị mặn, tanh, tính bình, có tác dụng trừ độc, tán ứ.

Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, khi bắt được sơn dương, nhân dân xả thịt, hứng tiết, lấy xương, sừng, mật và đôi khi cả dương vật để dùng chữa bệnh.

Tiết sơn dương: Uống ngay tiết còn nóng khi vừa cắt trong trường hợp bị trúng độc do ăn phải nấm độc hoặc thức ăn có độc. Hoặc pha tiết với ít rượu, uống để chữa ngã bị tụ máu, sưng đau.

Sừng sơn dương chẻ nhỏ, sao khô, nghiền nhỏ, rây bột mịn, uống mỗi lần 2 – 5g, ngày 2 lần. Chữa sốt cao, sơn lam chướng khí. Để chữa đau đầu dữ dội, mê man, nôn mửa, lấy sừng sơn dương (1 cái) sao thật khô, tán nhỏ thành bột, rồi sắc với xuyên khung (10g), thiên ma (5g), uống trong ngày. Sừng sơn dương đốt thành than, tán nhỏ, mỗi lần uống 12g với rượu chống sẩy thai (Nam dược thần hiệu).

Xương sơn dương thường được chế biến thành cao với công dụng chữa thiếu máu, đau lưng, tê thấp, nhức mỏi gân xương, làm vết thương mau lành. Ngày uống 5 – 10g cao cắt mỏng, uống với nước ấm hoặc ngâm rượu uống. Xương sơn đương đôi khi còn được nấu cùng với xương dê nhà và đặc biệt với xương hổ để tăng cường tính bổ trợ và làm tăng giá trị chữa bệnh của cao hổ cốt.

Thịt sơn dương được đồng bào miền núi đánh giá cao về giá trị chữa bệnh. Họ cho rằng những người luôn được ăn thịt sơn dương sẽ có cơ thể cường tráng, thể lực dồi dào, lao động và săn bắn không biết mệt. Người bị ngoại cảm, sốt cao, không được dùng thịt sơn dương. Ngoài ra, mật sơn dương cũng được dùng như mật gấu, mật trăn, để chữa đau đầu, hen suyễn, bệnh ngoài da. Sừng sơn dương đôi khi được thay thế hoặc làm giả sừng tê giác để chữa sốt cao, co giật.

Bài thuốc có sơn dương

1. Chữa sốt cao, co giật: Sừng sơn dương (30g), móc câu đằng (10g) giã nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày.

2. Chữa thiếu máu (dùng cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi đẻ thiếu máu, trẻ em suy dinh dưỡng, mồ hôi nhiều, chân tay lạnh: Thịt sơn dương (200g) thái mỏng; hoàng kỳ, đảng sâm, đương quy (mỗi vị 25g) nấu với nước bằng lửa nhỏ cho thật nhừ. Ăn cả cái lẫn nước (Tài liệu nước ngoài).

Ghi chú:Hiện nay, số lượng sơn dương trong tự nhiên không còn nhiều và đang trở thành đối tượng quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn bừa bãi. Do đó, sơn dương đã được đưa vào Sách Đỏ quốc gia để bảo vệ triệt để.

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More