10 November 2022

0 bình luận

Thồm lồm

10 November 2022

Tác giả: thuc


Thồm lồm

Tên tiếng Việt: Thồm lồm, Đuôi tôm, Mía bẹm, Hoả mẫu thảo, Lá lồm, Xôm cúng (Thái), Nú mí, Cổ đơ (kho), Xích địa lợi, Cơm cháy

Tên khoa học: Polygonum sinense L.

Tên đồng nghĩa: Polygonum chinense L.

Họ: Polygonaceae (Rau răm)

Công dụng: Sâu quảng, lở vành tai, mụn nhọt (Lá giã lấy nước bôi). Rắn cắn, trĩ (cả cây giã nước uống bã đắp).

 

Mô tả cây

  • Cây thảo sống dai, thân đứng, nhiều khi mọc rất dài và leo, nhẵn và có rãnh dọc.
  • Lá hình bầu dục hay hơi thuôn, phía cuống lá bầu bầu, ngọn lá hẹp nhọn, lá phía trên nhỏ hơn và gần như không cuống và ôm vào thân, cuống ngắn, ở phía dưới có hai tai nhỏ tròn, bẹ chìa mỏng và ngắn hơn các dóng của thân.
  • Cụm hoa thành đầu hợp thành xim ngù tận cùng, có cuống phủ rất nhiều lông có hạch tiết. Quả ba cạnh thuôn dài

Phân bố, thu hái và chế biến

  • Cây thồm lồm mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, thường ít được dùng, hay một số nơi người ta dùng lá tươi giã hay nhai nhỏ đắp lên nơi tai bị loét gọi là bệnh “thồm lồm ăn tai”. Trâu bò thích ăn vì thân cây có vị ngọt.
  • Dùng lá hay toàn cây tươi hoặc phơi hay sấy khô. Thường dùng tươi hơn, không phải chế biến gì đặc biệt. Hiện cũng không ai đặt vấn đề trồng.

Thành phần hoá học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu

Công dụng và liều dùng

Thồm lồm hầu như ít được dùng trong nhân dân ta, trừ công dụng chữa thồm lồm ăn tai.

Theo Petelot, tại Indonexia, nước ép của cây này dùng chữa bệnh về mắt.

Theo Quảng Tây trung dược chí (1963, tập 2) nhân dân Quảng Tây dùng cây này với tên địa hồ điệp, hay hỏa không đăng, hỏa khôi mẫu với tính chất vị ngọt, tính bình không độc vào ba kinh can, tỳ và đại trương, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, tiêu thủng chỉ thống (làm hết đau), chữa lỵ, trị bì phu thấp độc, ung thũng sưng đau. Ngày uống 12g đến 20g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Nguyễn Xuân Hiểu Khoa da liễu Quân y viện 108 (sức khỏe, 79-7/1968) căn cứ vào kinh nghiệm nhân dân dùng thồm lồm chữa thồm lồm ăn tai mà thực chất là một loét kẽ tai do nhiễm liên cầu khuẩn, đã thử áp dụng chữa những bệnh ngoài da nhiễm liên cầu khuẩn khác như chốc đầu, chốc mép, chốc da thường, eczema nhiễm khuẩn v.v… Kết quả trong 18 tháng đã chữa 11 trường hợp chốc đầu khỏi 9 (từ 4 đến 8 ngày), loét kẽ tai chữa 5 khỏi 4 (sau 5 đến 10 ngày), chốc mép chữa 1 khỏi 1 (sau 15 ngày), viêm da nhiễm khuẩn chữa 4 khỏi 4 (sau 4 đến 7 ngày) đặc biệt đã chữa một em bé bị chảy dãi nặng, da cằm bị viêm đỏ trợt, tanh hôi đã dùng nhiều thứ thuốc không khỏi, khi dùng dung dịch lá thồm lồm chấm mỗi ngày 2-3 lần chỉ sau 5 ngày cằm hết viêm đỏ. Gia đình tự động cho em bé uống mỗi ngày từ 2-3 thìa dung dịch lá thồm lồm (việc sử dụng này ngoài chỉ định của thầy thuốc) thì cùng với bệnh viêm da cằm, bệnh chảy dãi cũng khỏi dần, sau hơn một năm không thấy tái phát.

Cách và liều sử dụng của bệnh viện 108: Hoặc lấy lá tươi rửa sạch, giã nhỏ, cho thêm nước lã đun sôi để ấm, lọc qua gạc thành một dung dịch đặc. Hoặc lấy 5 kilôgam lá tươi cho vào 10 lít nước, đun cạn còn 2 lít lọc và cô thành cao. Dùng dung dịch lá tươi hoặc cao bôi lên nơi có tổn thương ngày 2-3 lần. trước khi bôi thuốc có thể kết hợp rửa, ngâm, tắm bằng nước đã đun sôi để ấm pha thêm muối, thuốc tím loãng hoặc nước có vò lá thồm lồm tươi. Cần chú ý tránh kỳ cọ, vò xát mạnh làm bật máu tươi ra thêm.

Eczema thì chữa 14 bệnh nhân khỏi hẳn một người, 9 bệnh nhân đỡ chảy nước, 2 không chuyển biến, 2 nặng thêm cho nên tác giả kết luận đối với eczema thuốc chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng cấp tính.

Đơn thuốc thồm lồm uống

  • Ngoài cách uống tự động nói trên, Trung Quốc người ta uống thồm lồm theo như sau:
  • Thồm lồm 12g khô, sao với mật cho vàng, sắc với nước chữa lỵ.

Bài viết liên quan

Hoa đu đủ đực

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Read More

Sâm Xuyên Đá

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Read More

Tổ Mối

5 (1) Tên khác: Con Kiến Mối, Mối Trắng, Mối gỗ ẩm, Kiến trắng, Nhất đăng uý, Bạch nghĩ, Bạch nghĩ nế,… Tên khoa học: Cryptotermes formosanus Shiraki, Leucotermes speratus Kol. Whiteant., họ Mối (Rhinotermitidae). Mối có ở trong vùng âm thấp của ôn đới và nhiệt đới, có ở các địa phương nước ta… Mô tả: Mối

Read More

Thùn mũn

Tên tiếng Việt: Cây chua meo (tên ở Lạng Giang, Bắc Giang), Cây phi tử, Cây chua ngút-vốn vén, tấm cùi (Thổ), Xốm mun (Thái)

Read More

Dây thuốc cá

Tên tiếng Việt: Dây duốc cá, Dây mật, Dây cóc, Dây cát, Lầu tín, Tuba root (Anh), Derris (Pháp), touba.

Read More