Mô tả cây
Tỳ giải là một loại cây leo, sống lâu, có rễ phình thành củ to, mặt ngoài màu vàng nâu, trong có màu trắng vàng, chất cứng, vị đắng. Thân nhỏ, gầy. Lá mọc so le, hình trái tim, cuống lá dài, đầu nhọn, có 7 đến 9 hoặc 11 gân lớn. Lá kèm biến thành tua cuốn. Hoa đơn tính, khác gốc, màu xanh nhạt, mọc thành bông. Quả nhỏ, có dìa như cánh. Ra hoa vào mùa hạ và thu.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Hiện nay chưa thấy ở Việt Nam, tuy nhiên ta vẫn khai thác với tên tỳ giải một số cây thuộc họ Hành (Alliaceae) và họ Củ nâu (Dioscoreaceae) nhưng chưa xác định tên khoa học chắc chắn. Tỳ giải ta khai thác được dùng trong nước và xuất khẩu. Cây Dioscorea tokoro mọc ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam V. V… là những tỉnh Trung Quốc giáp giới miền Bắc nước ta.
- Tỳ giải khai thác quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu đông. Đào củ về, rửa sạch đất, phơi khô có khi thái thành từng miếng mỏng rồi mới phơi cho chóng khô.
Công dụng và liều dùng
- Theo tàì liệu cổ, tỳ giải vị đắng, tính bình, vào 2 kinh can và vị. Có tác dụng khử phong thấp, phân thanh khứ trọc. Dùng chữa bạch trọc, lưng, gối tê đau, mụn nhọt.
- Trong nhân dân, tỳ giải được dùng làm thuốc, lợi tiểu tiện, uống vào có tác dụng tiêu độc, chữa mụn nhọt, đau gân cốt, lưng gối đau mỏi, nước tiểu có phản ứng axit. Ngày dùng 12 đến 18g dưới dạng thuốc sắc.
- Còn dùng để duốc cá, tán nhỏ, thả xuống nước, cá ăn phải sẽ nổi lên mặt nước.
- Hiện nay tỳ giải còn là nguồn nguyên liệu được nhiều nước dùng chiết saponin sterolic, nguyên liệu trung gian chế hocmon và coctizon.
Đơn thuốc có tỳ giải dùng trong nhân dân
Chữa tiểu tiện đục mãn tính: Tỳ giải, thạch xương bồ, ích trí nhân, ô dược, sinh cam thảo. Các vị bằng nhau, muối ăn 1g, nước 600ml. sắc còn 200ml chia 3 lần uống trước khi ăn; uống nóng chữa bệnh tiểu tiện đục, lâu không hết, mãn tính (đơn thuốc trích trong Hoà tễ cục phương).
Chú thích: Ngoài tên Dioscorea tokoro ra, có tác giả lại xác định tỳ giải là Dioscorea sativa L. (Diệp Quyết Tuyền). Vậy cần chú ý xác định lại.