Mô tả
- Cây nhỡ, có thể cao tới 4-8. Thân to bằng cổ tay, nhiều cành gần như mọc vòng, hình trụ, dài, màu lục, nom như cành san hô. Các cành nhỏ có lá. Lá hẹp, rụng rất sớm, dài 12-16mm, rộng 2mm.
- Cụm hoa có bao chung nhỏ, 5 tuyến hình bầu dục, nhị nhiều; nhụy có 3 vòi chẻ đôi, đầu nhụy hình đầu. Quả nang ít lông, có 3 mảnh lồi. Hạt hình trái xoan nhẵn.
Bộ phận dùng
Toàn cây – Herba Euphorbiae Tirucalli.
Nơi sống và thu hái
Loài nguyên sản ở châu Phi (Madagascar), được nhập trồng làm cây cảnh, có khi được trồng làm hàng rào. Có thể thu hái cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học
Cây chứa euphorbon; từ nhựa tươi đã tách được isoeuphorol, từ nhựa khô có một ceton là euphorone.
Tính vị, tác dụng
Toàn cây có vị cay, hơi chua, tính mát, hơi có độc, có tác dụng thúc sữa, sát trùng, khư phong, tiêu viêm, giải độc. Nhựa cây rất độc, có thể làm mù mắt; nó gây phồng làm nóng đỏ, chống kích thích, xổ. Nhựa này sẽ khô đặc lại ngoài ánh nắng và khi ngâm trong nước sẽ cho loại nhựa như cao su.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
- Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây trị thiếu sữa, nấm ngoài da, khớp xương buốt đau.
- Ở Ấn Độ, nhựa cây được dùng trị mụn cóc, thấp khớp, đau thần kinh, đau răng, trị ho, hen suyễn, đau tai và dùng duốc cá.
- Ở Inđônêxia cũng dùng nhựa trị bệnh ngoài da, rò, mụn mủ, bướu, táo bón và làm thuốc tẩy.
- Ở Thái Lan, nhựa tươi cũng được dùng ngoài trị mụn cóc.
- Ở nước ta, cành lá cũng được dùng trị bệnh ngoài da, táo bón và liệt dương (Viện Dược liệu); rễ cây dùng trị loét mũi và trĩ. Nhân dân cũng dùng cành tươi ngâm rượu chữa đau răng.
- Ở nhiều nước (Ấn Độ, Inđônêxia, Philippin,… ) người ta dùng cây và nhựa để duốc cá.
Cách dùng: Nhựa thường dùng bôi; cành và rễ dùng dưới dạng thuốc sắc.
Ðơn thuốc: Chữa đau răng: Hái lấy chừng 50g cành Xương khô, rửa sạch, ngâm ngay vào trong 100ml cồn 90°. Mỗi lần dùng một thìa cà phê (15ml) cho vào cốc nước, ngâm một chốc, sau đó nhổ đi; ngày ngậm 3-4 lần.