Mô tả
- Cây thảo mọc đứng, sống hằng năm, cao 10 – 60 cm. Thân mảnh gần hình trụ, nhẵn, có khía.
- Lá mọc so le, hình mác hoặc trái xoan, dài 3 – 5 cm, rộng 3 – 6 mm, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mép nguyên hoặc hơi có răng.
- Cụm hoa mọc thành xim ở ngọn thân, phân nhánh; lá bắc nhỏ hẹp, hoa nhỏ màu lam, trắng hoặc tím, có cuống dài; đài hàn liền với bầu hình trứng, nhẵn; lá đài 4 – 5 hình mác; tràng hình chuông, có ống dài 2 – 3 mm; cánh hoa 5 hình trái xoan; nhị 5, ẩn trong trang, bao phấn dài và nhọn, chỉ nhị dẹt, phình ra ở gốc; bầu 3 ô, chứa nhiều noãn.
- Quả nang, hình trứng, dài 3 – 8 mm, có đài tồn tại ở đỉnh; hạt nhiều và rất nhỏ, màu vàng nhạt, nhẵn, bóng.
Phân bố, sinh thái
Chi Wahlenbergia Roth. chỉ có một loài ở Việt Nam là lan hoa sâm (Nguyễn Văn Thuần, 1965; Nguyễn Tiến Bân et al., 2005). Lan hoa sâm phân bố ở một số tỉnh: Sơn La, Hà Nội, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… Trên thế giới, lan hoa sâm có ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonesia…
Lan hoa sâm là loại cây thảo, sống nhiều năm; đặc biệt ưa ẩm và hơi chịu bóng. Cây thường mọc trên đất ẩm, lẫn với các loại cây có khác ở ven rừng, chân đồi, bên các lối đi trong rừng hoặc trên nương rẫy (ở miền Bắc) mới bỏ hoang. Cây sinh trưởng mạnh trong vụ xuân – hè.
Bộ phận dùng
Toàn cây.
Thành phần hóa học
Rễ lan hoa sâm chứa alcaloid. Hoa chứa delphinidin và 5 – diglucosid (The wealth of India, 1952). Các tác giả Trung Quốc còn ghi nhận, ngoài glucosid rễ lan hoa sâm còn chứa lupeol, octadecanol, 3 – sitosterol và glucose (Trung dược đại từ điển, 1996).
Tác dụng dược lý
Tác dụng trên nấm bệnh:
Năm glycosid gồm demethyl syringin wahlenosid A, B, C và 3, 5, 5 – trimethyl – 4 – (2′ – β -D-glucopyranosyloxy) – ethyl – cyclohexa – 2 – en – 1 – on chiết xuất được từ toàn cây lan hoa sâm đã được nghiên cứu tác dụng trên một số nấm bệnh. Kết quả là cả 5 glycosid đều không có tác dụng trên ba loại nấm bệnh phân lập ở người là Candida albicans, Trichoderma viride và Aspergillus flavus (Tan R.X. et al., 1998, Phytochemistry, vol.48, Nº7: 1245 – 1250).
Tính vị, công năng
Lan hoa sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng dưỡng ẩm, chỉ huyết, chỉ khái, hóa đờm.
Công dụng
Lan hoa sâm được dùng chữa bạch đới, đàm tích, ho lao, phổi ráo sinh ho, phong thấp tê bại, đau răng, nôn ra máu, cao huyết áp. Đối với trẻ em, lan hoa sâm chữa cam tích, viêm phổi, sốt nhẹ, ra nhiều mồ hôi. Ngày 20 – 40 g sắc uống.
- Ở Malaysia, lan hoa sâm chữa bệnh ngoài da.
- Ở Indonesia cây được dùng điều trị ban da và chữa ghẻ.
- Ở Campuchia, người ta dùng lan hoa sâm chữa bệnh phổi.
Bài thuốc có lan hoa sâm
Chữa đau răng:
Lan hoa sâm 20g, trứng vịt một quả. Hầm kỹ lan hoa sâm với nước, lấy nước cô còn khoảng một bát (200 ml). Khi đang sôi, đập trứng vào, khuấy đều, đun đến chín kỹ trứng rồi uống. Ngày một lần.
Chữa phổi ráo sinh ho:
Lan hoa sâm 30g, mạch môn đông 15g, tăng bạch bì 10 g. Ba vị sắc lấy nước, bỏ bã, thêm một ong vào đến vừa ngọt, chia làm hai lần uống trong ngày. Mỗi ngày một thang.