Mô tả cây
- Dây leo, dài 8-10m.
- Thân cành mảnh, phủ lông mịn màu hung.
- Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, cuống ngắn, dài 5-9cm, rộng 3-6cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành chuỳ dài gồm nhiều đầu; lá bắc xếp thành nhiều dãy; tràng hình ống phình ở họng, bao phấn có tai ngắn, mào lông bằng nhau, màu hung đỏ.
- Quả bế, có lông, 10 khía dọc.
Phân bố, sinh thái
- Dây chè phân bố rải rác khắp các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Cây thường mọc lẫn với các loại cây bụi hay cây gỗ nhỏ khác ở ven rừng ẩm, bờ nương rẫy hay rừng non tái sinh trên đất sau nương rẫy.
- Cây ưa sáng và chịu được bóng, nhất là ở thời kỳ cây còn nhỏ. Những cành được chiếu sáng đầy đủ sẽ ra hoa quả nhiều; quả bế có túm lông, phát tán nhờ gió. Dây chè có khả năng tái sinh chồi khoẻ sau khi bị chặt. Cây trồng được bằng hạt.
Bộ phận dùng
Rễ và thân dây thu hái quanh năm, phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hoá học
Rễ và cành dây chè chứa alcaloid độc là vernonin.
Tính vị, công năng
Dây chè có vị đắng, cay, tính mát, hơi độc, có tác dụng khử phong thanh nhiệt, hoạt huyết, thông mạch, thư cân, triệt ngược.
Công dụng
- Dây chè được dùng chữa cảm sốt, phong thấp, đau nhức cơ xương, sốt rét cơn đau họng, đau mắt và đặc biệt cho phụ nữ sau khi đẻ để thông huyết và thông sữa. Ở Hải Nam – Trung Quốc, thân và rễ dây chè phơi khô sắc uống chữa phong thấp, đau nhức, đau họng, đau bụng khi hành kinh và vết thương do đâm chém. Liều dùng mỗi ngày: 10-20g sắc nước uống. Dùng ngoài, lấy nước sắc rửa vết thương hoặc ngâm lát cắt vào nước muối rồi ngậm chữa đau răng.
- Ghi chú: Rễ và thân dây chè có độc, khi sử dụng phải cẩn thận. Dùng quá liều có thể bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng đi ngoài, đau đầu, hoa mắt, nói lảm nhảm. Cấp cứu ngộ độc bằng gây nôn, rửa dạ dày, uống lòng trắng trứng gà, chè đặc, tiêm glucose, điều trị triệu chứng dùng thuốc an thần.