Nọc xoài
Tên gọi khác: Cây sọ khỉ, thuốc nọc, cỏ cứt heo, tam nhân đả, cỏ lá xoài, cốc đồng.
Tên khoa học: Struchium sparganophorum (L.) Kuntze
Tên đồng nghĩa: Sparganophorus vaillantii Crantz, Ethulia sparganophora L.
Họ: Cúc (Asteraceae)
Công dụng: dùng theo kinh nghiệm dân gian, lá tươi, giã nát đắp lên vết thương để sát trùng và làm vết thương mau lành
Mô tả
- Cây thảo, sống hằng năm, cao 10 – 30 cm. Thân hình trụ nhẵn, mọc bò lan sau đứng thẳng.
- Lá mọc so le, hình mác thuôn, gốc có phiến men theo cuống, đầu nhọn, mép khía răng.
- Cụm hoa mọc đơn độc thành đầu tròn ở kẽ lá, rộng 6 – 8 mm; hoa toàn hình ống, màu trắng, vòi nhụy màu tím.
- Quả bế, hình trụ hơi cong, màu trắng, bầu có 5 răng dính liền nhau thành hình chén.
- Mùa hoa quả: tháng 4 – 10.
Phân bố, sinh thái
Chi Struchium P. Browne, chỉ có một loài là nọc xoài ở Việt Nam. Cây có nguồn gốc ở Trung Mỹ, sau phát tán đi khắp nơi. Ở châu Á, cây phân bố ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Ở Việt Nam, mới chỉ thấy có nọc xoài một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,..
Nọc xoài là dạng cây thảo, sống một năm, ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc trên đất ẩm ở ruộng cao, vườn hoặc bãi sông…
Bộ phận dùng:
Toàn cây.
Thành phần hoá học
Loài nọc xoài chưa được nghiên cứu về thành phần hoá học.
Tác dụng dược lý
Tác dụng chống sốt rét: Dịch chiết nọc xoài có tác dụng rất rõ rệt trên ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum.
Tính vị, công năng
Nọc xoài có tác dụng cầm máu, sát trùng, hạ sốt, tiêu độc, tán ứ.
Công dụng
Nọc xoài chỉ mới được dùng theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam.
- Ở Cần Thơ, nhân dân dùng lá tươi, giã nát đắp lên vết thương để sát trùng và làm vết thương mau lành, hoặc xát lên vết thiến heo cho mau lành.
- Ở Tiền Giang, toàn cây nọc xoài sắc uống, kết hợp lấy lá tươi giã nát, đắp để chữa sưng tấy.
- Ở Minh Hải, toàn cây sắc uống lại chữa băng huyết. Ngày 30 – 50g dưới dạng nước sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.