Cây sâm cau đỏ
Tên tiếng Việt: Hồng sâm, Sâm cau đỏ, co phạc hia (Thái)
Tên khoa học: Dracaena angustifolia Roxb.
Họ: Thùa (Agavaceae)
Công dụng: nhuận tràng, lợi tiểu, chữa lỵ, bạch đới và bênh lậu.
Mô tả
- Cây nhỏ cao 1-2m. Rễ củ phân nhánh nhiều, màu hồng hoặc vàng nhạt. Thân thường không phân nhánh, mọc thẳng, mang một chùm lá ở ngọn.
- Lá mọc so le, dài 20-35cm, rộng 1-4cm, đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng, gân lá mờ, bẹ lá ôm thân.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép, dài khoảng 35-40cm, các nhánh dài tới 20cm; hoa màu trắng xanh, hình ống 6 thùy giống nhau, cùng màu; nhị 6, chỉ nhị hẹp; bầu hình trụ, 3 ô, mỗi ô có một noãn.
- Quả mọng, hình cầu, chứa 1 hạt.
- Mùa hoa quả: tháng 3-5.
Phân bố sinh thái
Chi Dracaena Vand.ex L. gồm các loài là cây bụi hoặc gỗ nhỏ. Ở Việt Nam, chi này có 10-15 loài trong đó có 4-5 loài dùng làm thuốc.
Các tỉnh có nhiều bồng bồng như Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bộ phận dùng
Rễ và hoa dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hóa học
Chưa thấy tài liệu nói về thành phần hóa học của cây bồng bồng
Tác dụng dược lý
Trong một nghiên cứu dược lý có hệ thống cao khô bồng bồng ở Ấn Độ, người ta đã dùng toàn bộ rễ, chiết bằng cồn 50°, sau đó bốc hơi cách thủy và cô dưới áp lực giảm đến khô, rồi thử tác dụng:
- Tác dụng kháng khuẩn in vitro trên Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Salmonella typhi, Escherichia coli, Agrobacterium tumefaciens: chưa thấy có kết quả đến nồng độ 25ug/ml.
- Tác dụng kháng nấm in vitro trên Aspergillus niger, Candida albicans, Cryptococcus neoformuns, Microsporum canis, Trychophyton mentagrophytes: chưa thấy có kết quả ức chế đến nồng đỏ 25ug/ml.
- Tác dụng hạ đường huyết ở chuột cống trắng nặng khoảng 100g với liều uống 250mg/kg chưa thấy có kết quả
- Tác dụng trên hối tràng chuột lang cô lập: không thấy có ảnh hưởng trên sức co.
- Tác dụng trên thần kinh trung ương ở chuột nhắt trắng, đã thử trên hoạt động tự nhiên, tác dụng trên thân nhiệt, tác dụng giảm đau, tác dụng trên co giật do sốc điện với liều 50ng/kg: chưa thấy có kết quả
- Tác dụng trên ung thư, đã thử 2 loại ung thư là loại carcinom biểu bì mũi hầu của người in vitro và tăng bạch cầu dòng lympho ở chuột nhát trắng chưa thấy có kết quả.
- Tác dụng trên hô hấp, hệ tim mạch và màng nhầy mắt được nghiên cứu trên mèo gây mê. Với liều cao khô 50mg/kg, không có kết quả trên tần số và biên độ hô hấp, nhưng có tác dụng hạ huyết áp và trén màng nhầy mắt.
- Tác dụng lợi tiểu được thử trên chuột cống trắng 100 – 150g với liều 50mg/kg. Kết quả là thuốc có tác dụng lợi tiểu mạnh hơn so với lô chứng cùng ure 750mg/kg.
Tính vị, công năng
Rễ, lá và hoa bồng bồng có tính mát, có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc.
Công dụng
- Lá bồng bồng sắc uống để nhuận tràng, lợi tiểu, chữa lỵ, bạch đới và bênh lậu, ngày 20 – 30g.
- Rễ và hoa chữa lỵ ra máu. Ngày 10 – 20g sắc uống.
- Hoa sao vàng, sắc đặc, uống hen. Trong sinh hoạt, cụm hoa non của bồng bồng ăn được, rễ nghiền lẫn với các chất thơm để làm hương, lá giã nát, vắt lấy nước dùng nhuộm xanh bánh đúc,
Lưu ý : Theo nghiên cứu ở Ấn Độ, toàn cây bồng bồng có độc, dùng phải thận trọng