Thổ hoàng liên
Tên tiếng Việt: Thổ hoàng liên
Tên khoa học: Thalictrum foliolosum DC.
Họ: Ranunculaceae (Mao lương)
Công dụng: Đau mắt, kiết lỵ, ỉa chảy (thay Hoàng liên).
Mô tả cây
Thổ hoàng liên là một cây nhỏ, cao chừng 40-50cm, mỏng, mềm nhẵn. Lá kép 3 lần lông chim có bẹ, cuống lá chính dài 10-15cm, cuống lá bậc hai dài 5-7cm, cuống bậc 3 dài 1- 3cm. Lá chét hình tròn hay bầu dục, mép khía tai bèo, phiến lá dài, lá màu xanh lục, mặt dưới nhạt hơn. Hoa nhỏ, cánh mỏng hơi phớt tím. Quả nhỏ, hình hạt thóc, đầu hơi có mỏ. Thân rễ to, thô, đường kính 0,3-0,5cm có nhiều mấu, mấu cách nhau chừng 0,5-1cm, bẻ ngang thấy rất nhiều xơ, thịt màu vàng tươi, vàng trắng.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Mới phát hiện mọc nhiều ở vùng Tây bắc nhiều nhất ở vùng Tủa chùa. Đã đem trồng thí nghiệm tại vườn thuốc Sa Pa (Lào Cai) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Cây mọc tốt, ra hoa kết quả, rất dễ phát triển. tuy nhiên cho đến năm 1967 chưa đặt thành vấn đề trồng trên quy mô lớn. cây cũng đã được thí nghiệm trồng ở đồng bằng, nhưng sang mùa nóng cây khô héo và chết.
- Thu hoạch tốt nhất vào thu đông, nhưng vì mùa này cây lụi đi khó tìm, khí hậu lại rét quá, ít ai đi tìm đào, cho nên thường khai thác vào các tháng 6,7,8. Hái về rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ nhỏ, phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì đặc biệt.
Mô tả vị thuốc
Vị thuốc tiêu thụ trên thị trường nước ta là những mẫu thân rễ cắt thành từng đọan ngắn, 2-4cm, đường kính 0,2-0,5cm. Mặt ngoài màu nâu sẫm, còn mang những đoạn thân ngắn, rỗng, đường kính 0,3-0,5cm. trên có những rễ nhỏ màu vàng trắng dài, hay sẹo của rễ nhỏ. Thân rễ rắn cứng, mặt bẻ gãy không phẳng, màu vàng tươi, vị rất đắng.
Thành phần hóa học
- Trong Thổ hoàng liên có khoảng 3% becberin, 0,3% panmatin, 0,02% jatrorrhizin.
- Ngoài ra còn một ít thalictrin nhưng có khi không thấy chất này.
Công dụng và liều dùng
Như vị hoàng liên, ngày dùng từ 4-6g chia làm 2-3 lần uống dưới dạng thuốc bột hay làm thành viên. Dạng thuốc sắc quá đắng khó uống. Dùng ngoài cũng để chữa đau mắt, mụn nhọt như hoàng liên bắc.
Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc