10 November 2022

0 bình luận

Ngưu bàng

10 November 2022

Tác giả: thuc


0
(0)

Ngưu bàng

Tên tiếng Việt: Ngưu bàng

Tên khoa học: Arctium lappa L.

Họ: Asteraceae (Cúc)

Công dụng: Bổ, giải độc, mụn nhọt, cảm sốt, làm ra mồ hôi (Rễ sắc uống).

 

 

Mô tả cây

Ngưu bàng là một cây sống hằng năm hay hai năm, cao chừng 1m đến 1,5m. Phía trên phân nhiều cành. Lá mọc thành hoa thị ở gốc và mọc so le ở trên thân. Lá to rộng, hình tim, đường kính tới 40-50cm, cuống lá dài, mặt dưới lá mang nhiều lông trắng. Cụm hoa hình đầu, mọc ở đầu cành, đường kính 2-4cm. Cánh hoa màu hơi tím. Quả bế, màu xám nâu, hơi cong. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 7-8.

Phân bố, thu hái và chế biến

  • Cây ngưu bàng mới di thực từ Trung Quốc sang ta từ năm 1959. Ngay tại Trung Quốc, nguồn cung cấp chủ yếu cũng do trồng mà có chứa rất ít thu thập ở những cây mọc hoang. Trong đợt điều tra dược liệu Lào Cai tháng 7-1967, đoàn điều tra đã thấy ở vùng cao huyện Bát Xát có cây ngưu bàng mọc hoang.
  • Vào các tháng 8-9, khi quả chín thì hái về, đập lấy quả phơi khô là được. Khi hái cần đeo găng cho khỏi bị gai ở quả đâm vào tay.
  • Nếu dùng rễ thì hái vào mùa xuân năm thứ hai, trước khi ra hoa, nếu không, rễ sẽ bị xơ nhiều và mất hết tác dụng. Hái quả chín vào tháng 9 thì cắt gieo ngay, hạt mọc mới tốt, sau khi gieo 18 tháng, tức là mùa xuân năm sau, đào rễ về, rửa sạch, thái thành từng miếng dày 2cm, phơi hay sấy cho thật khô, mới khỏi mốc hỏng.

Thành phần hoá học

  • Trong quả ngưu bàng (gọi nhầm là hạt) người ta đã chiết xuất được 25-30% chất béo và một chất glucozit gọi là actiin C27H34O11.H2O. Ngoài ra còn chất lappin (ancaloit). Khi thuỷ phân chất actiin (arctiin) bằng axit nhẹ, ta sẽ được chất actigenin C21H24O6 và glucoza.
  • Trong chất béo thành phần chủ yếu gồm các glyxerit của các axit panmitic, stearic và oleic.
  • Trong rễ ngưu bàng có tới 57% inulin (có khi tới 70%), 5-6% glucoza, một ít chất béo (0,40%), chất nhầy, chất đắng, nhựa và muối kali (nitrat và cacbonat).
  • Trong lá có men oxydaza rất mạnh

Công dụng và liều dùng

  • Tây y dùng rễ ngưu bàng hái vào mùa xuân làm thuốc thông tiểu, ra mồ hôi, tẩy máu dùng trong các bệnh tê thấp, đau và sưng khớp, một số bệnh ngoài da (hắc lào, mặt có nhiều trứng cá, lở loét ..v.v)
  • Còn dùng cho người bị đường tiện (đái ra đường) vì người ta cho rằng cao rễ ngưu bàng có tác dụng hạ glucoza trong máu, dùng cuống và thân cây làm thức ăn có tác dụng tăng lượng glycogen trong gan. Còn có tác dụng chữa mụn nhọt. Hoạt chất chưa rõ. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 0,60g cao thuốc ổn định. Có thể dùng bột ổn định. Uống luôn trong 3 ngày.
  • Đông y thường và chỉ dùng quả (gọi nhầm là hạt) để chữa cảm cúm, thông tiểu và chữa sốt, chữa sưng vú, cổ họng sưng đau, viêm phổi, viêm tai. Đối với mụn nhọt đang nung mủ, hoặc tràng nhạc thì có tác dụng chóng vỡ và khỏi. Đối với bệnh sởi đậu cũng có tác dụng làm cho chóng khỏi. Ngày dùng 6-10g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác.
  • Theo tài liệu cổ ngưu bàng có vị cay, đắng, tính hành, vào 2 kinh phế và vị. Có tác dụng tán phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc; tuyên phế, thấu chẩn. Dùng chữa ngoại cảm biểu chứng, ma chẩn, (đậu sởi), vị thấu (không thấu), phong chấn, yết hầu sưng đau, ung thũng. Những người tỳ vị hư hàn, ỉa lỏng không dùng được.
  • Nhân dân Châu Âu còn dùng lá non và thân, có khi dùng cả rễ đem giã nhỏ rồi đắp vào nơi rắn độc, sâu bọ, ong, muỗi và rết cắn, có lẽ do tác dụng của các men oxydaza có nhiều trong lá và thân.

Đơn thuốc có ngưu bàng tử

  1. Chữa đậu chẩn mọc trong cổ họng: Ngưu bàng tử 8g, cát cánh 6g, cam thảo 3g. Sắc uống trong ngày.
  2. Chữa cảm mạo, thủy thũng, chân tay phù: Ngưu bàng tỏ 80g sao vàng. Ngày uống 8g bột này, chia làm 3 lần uống; dùng nước nóng chiêu thuốc.
  3. Chữa trẻ con lên đậu mọc không thuận, nóng sốt, cổ họng tắc: Ngưu bàng (sao) 5g, kinh giới tuệ 1g, cam thảo 2g, nước 200ml. Sắc còn 50ml cho uống. Nếu đậu mọc rồi vẫn uống được. Nếu đại tiện lợi chớ dùng.
  4. Bài thuốc chữa phù thận cấp tính: Ngưu bàng tử 6g (nửa sao, nửa sống), phù bình (sao khô) 6g. Tất cả tán nhỏ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 5g, dùng nước nóng chiêu thuốc (kinh nghiệm của Diệp Quyết Tuyền).
  5. Bài thuốc dưỡng âm bổ phế, chỉ khái huyết: A giao (mạch sao) 60g, Mã đầu linh 20g, Ngưu bàng tử 10g, Chích thảo 10g, Hạnh nhân 6 – 7g, Gạo nếp sao 40g. Tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 8g, sắc nước uống.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Vui lòng để lại đánh giá của bạn nhé!

Điểm đánh giá trung bình 0 / 5. Số lượng tham gia đánh giá: 0

Hiện bài viết chưa có đánh giá nào! Bạn hãy là người đầu tiên nhé.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết liên quan

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Hoa đu đủ đực
>