Mạy chỉ chăm
Tên tiếng Việt: Mạy chỉ chăm, Vót thơm, răng cưa thơm
Tên khoa học: Viburnum odoratitissimum Ker. Gawl
Họ: Caprifoliaceae (Cơm cháy)
Công dụng: Toàn cây chữa cảm mạo, phong thấp, đòn ngã sưng đau, gãy xương, vết dao chém, rắn cắn. Lá nấu cao bôi chữa eczema.
Mô tả
Cây nhỏ, cành hình trụ nhẵn, màu nâu, có những nốt sần.
Lá mọc đối, đôi khi mọc vòng 3, phiến dai, dài 12 – 15 cm, rộng 4 – 7 cm, gốc thắt lại, đầu thuôn có mũi nhọn, mép nguyên hoặc hơi có răng ở gần đầu lá, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới đôi khi có ít lông hình sao ở kề các gân; cuống lá dài 1.5 – 2 cm
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành hình xim phân nhánh có cuống màu đỏ, lá bắc hình mác sớm rụng; hoa màu trắng; đài hoa nhẵn, hình đấu có 5 răng ngắn, tràng hoa hình bánh xe hoặc gần hình chuông, nhẵn, có ống, nhị 5, vượt ra ngoài tràng, bầu hình trứng nhẵn.
Quả mọng, hình trứng, hạt có rãnh ở phần giữa.
Phân bố, sinh thái
Mạy chỉ chăm phân bố ở Trung Quốc, Lào, Mianma và Ấn Độ. Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở các tỉnh vùng núi như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai và một số địa phương khác. Cây thường mọc ở ven rừng ẩm, rừng núi đá vôi… với độ cao phân bố 800 – 1500m. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm; có khả năng tái sinh chồi sau khi chặt. có thể trồng được bằng cách cắm cành.
Bộ phận dùng
Rễ, cành, lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học
Kikuchi, Masao, Matsuda Noriko đã nghiên cứu thành phần hóa học một số loài Viburnum và phát hiện, phân lập được 8 chất flavonoid glucosid.
Tác dụng dược lý
Tác dụng trên thực khuẩn (bacteriophage là loại virus tăng trưởng và sinh sản trong vi khuẩn, khi vi khuẩn chết sẽ giải phóng ra các thực khuẩn mới): Cao thân, cành mạy chỉ chăm có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại thực khuẩn, nhưng cao lá lại chỉ ức chế sự phát triển của thực khuẩn T2.
Tính vị, công năng
Mạy chỉ chăm có vị cay, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, khử thấp, thông kinh hoạt lạc, giải độc , sinh cơ.
Công dụng
Mạy chỉ chăm được dùng chữa một số bệnh ngoài da như eczema, lở loét ngoài da:
- Lấy 1 kg lá bằm nát, nấu với 5 – 6 lít nước.
- Đun nhỏ lửa liên tục trong 24 h giờ. Với bỏ bã, lọc qua vải, lấy nước cô đến khi được cao sánh đặc.
- Khi dùng,lấy tăm bông sạch nhúng vào cao, bôi lên vết thương, ngày 2 lần. còn chữa phong thấp, đòn ngã sinh đau, vết thương bầm dập, cảm mạo, rắn cắn.
- Ngày 9-15g lá hoặc 30-60g rễ, cành lá sắc uống.