Ngoi
Tên tiếng Việt: Ngoi, Cà hôi, Co sà lang (Thái), Toong muốc, La rừng, Phô hức (Tày)
Tên khoa học: Solanum erianthum D. Don
Tên đồng nghĩa: Solanum verbascifolium L.
Họ: Solanaceae (Cà)
Công dụng: Hắc lào, lòi dom, con tấc chiu vào mũi, đau dạ dày, phong tê thấp, rắn cắn, điều kinh (Lá).
Mô tả
- Cây nhỏ, cao 1,5 – 5m. Thân và cành có lông hình sao màu vàng nhạt, cành non mọc toả rộng. Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc hình trứng, dài 12 – 20cm, rộng 6 – 11 cm, gốc hình nêm, đầu thuôn nhọn, mép nguyên, hai mặt phủ lông mịn; cuống lá dài 3 – 5cm.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc cành bên thành xim phân nhánh, có lông mịn như len, nhiều hoa màu trắng; dài nhẵn hình phễu, xẻ 5 thuỳ nhọn; tràng dài gap hai lần dài; cánh hoa có lông tơ ở mặt ngoài; nhị 5, bao phấn nứt ngang ở đỉnh; bầu có lông.
- Quả nhỏ, mọng, hình cầu, khi chín màu vàng, chứa nhiều hạt có vân mạng.
- Mùa hoa quả: tháng 3-11.
Phân bố, sinh thái
Ngoi có nguồn gốc ở vùng Tây Ấn Độ hoặc Mexico. Đến thế kỷ 16, cây được người Tây Ban Nha du nhập vào Philippin, sau đó lan ra các nước khác trong vùng và Australia (M.M Blomqvist & Nguyen Tien Ban, 1999; Solanum L, in : PROSEA – NO 12(1), Med. and poisonous plants; 458 p). Hiện nay, ngoi phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, nhất là vùng Đông – Nam Á và Nam Á.
Ở Việt Nam, ngoi cũng gặp rải rác khắp các tỉnh vùng núi và trung du, cá biệt còn thấy cả ở đồng bằng. Cây ưa ẩm và ưa sáng, có thể hơi chịu bóng khi cây còn nhỏ, thường mọc ở ven rừng, nương rẫy cũ hoặc ở đồi. Độ cao phân bố ở các tỉnh phía bắc đến gần 1000m (ở Tam Đảo) hoặc 1300m (ở Pà Cò – Hoà Bình); ở các tỉnh phía nam độ cao có thể đến 1500m.
Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, khi chín quả có màu vàng cam, là thức ăn của một số loài chim và động vật gặm nhấm. Hạt giống theo phân của chúng phát tán khắp nơi. Cây con mọc từ hạt thường thấy vào tháng 4-5 hàng năm. Cây trồng được dễ dàng bằng hạt.
Bộ phận dùng
Rễ, lá. Rễ sau khi đào lên, thái mỏng rồi phơi hay sấy khô. Lá thường dùng tươi.
Thành phần hoá học
Rễ và lá chứa solasonin, solamargin, solasodin, solaverbascin, solaverin, solaverol A,B (Trung dược từ hải III, 1997).
Theo tài liệu của Chapman et Hall, 1997, phần trên mặt đất của cây ngoi chứa solaverin I, solaverin II, solaverin III. Theo Hoàng Thanh Hương 1980, lá và rễ cây ngoi mọc ở Việt Nam đều chứa solasonin, solamargin, a – tomatin, solaverbascin và một số chất khác: 2 chất sterol, vanilin, progesteron, ß – hydroxy – pregna – 5, 16 – dien – 20 – on, cafein. (Luận án tiến sĩ hoá học, Halle, 1980).
Tác dụng dược lý
- Tác dụng đối với cơ trơn và cơ vân: Dạng chiết nước từ lá hoặc toàn cây ngoi với nồng độ tương đương với 0,013g dược liệu/ml, có tác dụng gây co bóp hồi trường cô lập chuột lang, cường độ co bóp bằng khoảng 65% co bóp tối da do acetylcholin gáy nên. Atropin có thể ức chế một phần tác dụng gây co bóp trên. Dạng chiết nước còn có tác dụng tăng cường trương lực của hoành tá tràng thỏ cô lập, gây co thắt. Dạng nước sắc đối với hồi trường cô lập chuột lang không có tác dụng rõ rệt, nhưng đối với tử cung cô lập chuột cống trắng và cơ thẳng bụng ếch lại có tác dụng kích thích nhẹ.
- Tác dụng đối với tim mạch: Dạng chiết nước từ lá ngoi trên tim thỏ cô lập có tác dụng ức chế co bóp cơ tim. Trên tiêu bản tiêm truyền mạch chân sau chuột cống trắng, nước sắc lá ngoi không có tác dụng rõ rệt, nhưng lại có tác dụng hạ huyết áp trên chó gây mê tiêm tĩnh mạch.
- Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng dạng chiết nước từ lá ngoi tiêm xoang bụng với liều tương đương 5g dược liệu/kg, có tác dụng kéo dài thời gian gây ngủ của phentobarbital.
- Độc tính: Dạng chiết nước thí nghiệm trên chuột nhắt trắng tiêm xoang bụng với liều 10g/kg, có tác dụng gây ức chế, vận động thất điều, hô hấp tăng nhanh; sau 2 giờ, toàn bộ súc vật dùng thuốc đều chết; nếu tiêm tĩnh mạch với liều 2,5g/kg thì xuất hiện triệu chứng ngộ độc giống như trên, nhưng chỉ có 2 trong số 5 chuột dùng thuốc chết, số còn lại hồi phục bình thường sau 24 giờ.
Tính vị, công năng
Ngoi có vị cay, tính bình, có tác dụng tiêu thũng, chỉ thống, thu liễm, sát trùng.
Công dụng
Theo kinh nghiệm nhân dân, cây ngoi được dùng chữa lòi dom, tràng nhạc, hắc lào.
- Chữa lòi dom: Lấy lá ngoi tươi rửa sạch, bỏ cuống, đập dập, sao nóng, rịt vào chỗ dom lòi ra sau khi đã rửa sạch bằng nước ấm. Có thể để nguyên lá, úp vào dom hoặc đem lá nướng cháy vo tròn nhét vào hậu môn. Sau khi đắp lá, cần băng lại cho chắc, nằm nghỉ. Mỗi ngày đắp rịt 1 – 2 lần. Nên làm thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh đi lại. Sau vài ba ngày, dom sẽ co lên. Người bị lòi dom chữa bằng lá ngoi khỏi nhanh, hoạt động bình thường, lao động được ngay. Trong thời gian rất lâu có khi 2- 3 năm, vẫn không thấy tái phát. Bệnh viện Hà Giang cũ đã chữa khỏi nhiều trường hợp lòi dom bằng lá ngoi.
- Chữa tràng nhạc: Lá hoặc quả cây ngoi 10g, lá dâm bụt 10g, vỏ rễ hoặc vỏ thân cây gạo (cạo sạch vỏ ngoài) 20g. Tất cả giã nát, đổ ngập xâm xấp nước vo gạo đặc, đun sôi nhỏ lửa cho đến khi sền sệt. Để nguội đắp vào chỗ tràng nhạc. Băng lại, ngày thay một lần. Kinh nghiệm cho thấy có thể chữa tràng nhạc chữa mưng mủ hoặc đã có mủ.
- Chữa hắc lào: Lá ngoi tươi giã nát, vắt lấy nước đặc bôi. Ngày làm một lần. Ở Trung Quốc, ngoi còn được dùng chữa thống phong, băng huyết ở phụ nữ, sưng tấy, viêm đa, eczema, mụn nhọt, liều dùng: 4,5 – 9g/ ngày, sắc nước uống. Dùng ngoài,lấy nước sắc rửa hoặc giã nát sao nóng với rượu, đắp tại chỗ.
Ở Đài Loan, ngoi dược dùng chữa lỵ, viêm ruột, sốt.
Ở Malaysia, lá ngoi đắp lên trán chữa đau đầu, nước sắc uống chữa chóng mật, phụ nữ sau khi đẻ tắm bằng nước lá ngoi rất tốt. Nước sắc rễ ngoi là thuốc giảm đau, chữa rối loạn tiêu hoá.
Ở Indonesia, nước sắc rễ ngoi với gừng và hành chữa tiểu tiện ra máu. Lá ngoi được dùng chữa khí hư ở phụ nữ, vò nát với muối dùng cho phụ nữ khi đẻ. Bột lá ngoi trộn với các vị thuốc khác chữa bệnh loét mũi cho ngựa. Ở Philippin, lá ngoi hơ nóng đắp lên trán chữa đau đầu, nước sắc rễ ngoi chữa kiết lỵ và tiêu chảy.
*Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam