Cá trắm
Tên tiếng việt: Cá trắm, Cá trắm cỏ, cá trắm đen
Tên khoa học: Ctenopharyngodon idellus Cuvier et Valenciennes, Mylopharyngodon piceus Richardson.
Họ: Cá chép ( Cyprinidae)
Công dụng: Chữa cổ họng sưng đau, chữa mắt đỏ có màng, chữa cảm lạnh, nhức đầu, ngạt mũi, chữa cao huyết áp, ngộ độc. Thuốc tăng cường khí huyết, bổ thận, giải cảm, tiêu độc, phòng cúm.
Mô tả
Thân thuôn dài, hẹp ngang, hơi tròn bên, vảy to. Đầu ngắn nhỏ, mõm tù, miệng rộng, hàm dưới hơi thụt vào, mép không có râu. Mắt nhỏ, mang rộng, vây không có tia gai cứng. Màu xanh hơi vàng (cá trắm Cỏ), màu đen đậm hơn ở lưng và vây (cá trắm đen).
Phân bố, sinh thái
- Loài cá nước ngọt. Cá trắm cỏ phân bố ở Liên Xô trước đây, Trung Quốc, ngày trước cũng có ở Việt Nam, sau phải nhập của Trung Quốc (1958). Sống ở tầng giữa và tầng đáy, phát triển mạnh ở khắp châu thổ sông Hồng và nhiều tỉnh phía nam được đưa giống vào sau ngày giải phóng. Ăn thực vật như rong, bèo, cỏ. Cá đã được nuôi trong lồng bè với kết quả tốt.
- Cá trắm đen phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc trong các sông lớn và được nuôi ở các ao, hồ, đầm, ruộng nước. Sống ở tầng đáy, ăn động vật nhỏ thân mềm như ốc, tôm, ấu trùng, côn trùng và cả những loài nhuyễn thể lớn có vỏ cứng như cua, ốc to vì răng hầu của cá rất khoẻ. Mùa sinh đẻ vào tháng 4-7.
- Thường nuôi ghép với cá mè, cá trôi, cá chép.
Bộ phận dùng
Cá trắm được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là thanh ngư. Dùng mật là chủ yếu. Thịt cá đôi khi cũng được sử dụng.
Thành phần hóa học
Thịt cá trắm chứa 17,9 – 19,5% protid, 4,3 – 5,2% lipid, các muối Ca, P, sắt và các vitamin B1, B, C. Mật cá có sterol.
Tính vị, công năng
Thịt cá trắm có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, khu phong, hóa thấp. Mật cá (thanh ngư đởm) có vị đắng, tính hàn, có độc, có tác dụng chống viêm, giải độc, minh mục.
Công dụng
- Từ lâu đời, cá trắm là vị thuốc được dùng phổ biến trong dân gian Việt Nam. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng mật cá trắm trong những trường hợp sau:
- Chữa cổ họng sưng đau: Mật cá trắm (thường là loại cá đen) rút lấy nước trộn với mật ong (lượng bằng nhau), rồi ngậm. Ngày làm nhiều lần.
- Chữa mắt đỏ có màng: Lấy nước mật cá nhỏ vào mắt.
- Các sách thuốc cổ thường ghi mật cá trắm chỉ được dùng ngoài, ít dùng uống. Nhân dân ở một số nơi đã dùng mật cá trắm dưới dạng nuốt cả túi mật còn tươi hoặc pha mật với rượu mà uống, không có liều lượng cụ thể; do đó, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rất thương tâm dẫn đến tử vong. Triệu chứng ngộ độc thường là đau bụng dữ dội, nôn nhiều, tiêu chảy nặng đến phù nề, bí đái, khó thở, nôn ra máu rồi hôn mê mà chết. Mật cá trắm có liều chữa bệnh rất gần với liều gây độc. Người không có kinh nghiệm không được tự ý sử dụng.
Ở Trung Quốc, thịt cá trắm dưới dạng món ăn – vị thuốc có tác dụng tốt trong những trường hợp sau:
Chữa cảm lạnh, nhức đầu, ngạt mũi: Thịt cá trắm cỏ (150g), gừng tươi (25g), rượu (100ml) cho vào nửa bát nước sôi, thêm ít muối, ăn nóng cho ra mồ hôi.
Chữa cao huyết áp, ngộ độc: Thịt cá trắm cỏ (200g), rán chín vàng, rồi nấu với bí đao (200g) và nước vừa đủ trong 3- 4giờ. Thêm gia vị, muối, ăn trong ngày.
Thuốc tăng cường khí huyết, bổ thận, giải cảm, tiêu độc, phòng cúm:Thịt cá trắm đen thái lát, ướp muối, rượu và gia vị, sau đó, rắc gừng, hành, tỏi ( đã băm nhỏ) và dầu ăn vào cá, đun sôi đến thơm là được. Ăn vào bữa cơm.