Dây huỳnh
Tên tiếng việt: Dây huỳnh, Bông vàng, Hoa đai vàng, Huỳnh anh
Tên khoa học: Allamanda cathartica L.
Họ: Apocynaceae
Công dụng: Chữa tê thấp, sốt, tẩy. Thuốc giảm đau, giảm ho (Cành). Gây nôn (Lá).
Mô tả cây
- Cây nhỏ mọc thành bụi, trườn, có mủ trắng, không lông; nhánh tròn, cỡ 1cm, có cành dọc.
- Lá to mọc đối hay vòng 3-6, hình thuôn dài, đầu nhọn.
- Hoa mọc thành chùy gần ngọn, màu vàng tươi, to, gần như đều; lá đài rời, xanh, 3 to, 2 nhỏ; tràng có một ống hẹp rời rộng; 5 nhị đính ở trên phần hẹp, 5 vảy có lông; bầu hình trứng 1 ô, chứa nhiều noãn.
- Quả nang, có gai, mở thành 2 van, chứa ít hạt.
- Mùa hoa quả: tháng 5-10
Phân bố, sinh thái
Gốc ở Mỹ châu nhiệt đới (Brazin, Guyan), được trồng khắp nơi làm cảnh vì có hoa đẹp quanh năm.
Dây huỳnh là cây thường xanh quanh năm, ưa sáng, ưa ẩm và cũng có thể chịu được khô hạn. Cây sinh trưởng mạnh từ tháng 4 – 8 là thời kỳ có nhiều nắng và có nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm. Cây trồng ở nơi được chiếu sáng đầy đủ và có giá thể leo, sẽ ra hoa nhiều hơn những cây bị che bóng. Cây trồng ở các tỉnh phía bắc hiếm khi thấy quả; trồng dễ dàng bằng cành. Để tạo cho cây phát triển theo ý muốn, về mùa đông người ta thường cắt bỏ bớt các cành và thân già, đến mùa xuân năm sau từ phần còn lại sẽ mọc ra nhiều chồi. Các chồi này sinh trưởng nhanh và sẽ ra hoa ngay trong mùa hè cùng năm.
Bộ phận dùng
Lá và nhựa
Thành phần hoá học
Dây huỳnh chứa nhiều alamandin, alamandicin và alamdin đều có hoạt tính kháng ung thư bạch cầu.
Tác dụng dược lý
Tác dụng chống u
Cao chiết bằng ethanol từ rễ và hoạt chất allamandin có tác dụng chống u in vivo trên tế bào ung thư bạch cầu P-388 ở chột nhắt trắng và trên thí nghiệm in vitro với tế bào KB (tế bào ung thư mũi hầu của người). Một cao chiết từ lá dây huỳnh trong dung dịch natri hydrocarbonat 5% có tác dụng ức chế tế bào u báng Ehrlich ở chuột nhắt trắng.
Tác dụng trên nấm và vi khuẩn
Plumenein và các iridoid lacton có liên quan khác có tác dụng kháng nấm và vi khuẩn đối với nhiều loại vi sinh vật. Cao ethanol chiết từ rễ và hoa dây huỳnh có tác dụng ức chế các vi khuẩn dòng Klebsiella.
Tác dụng trên huyết áp
Cao nước và cao cồn chiết từ rễ và lá dây huỳnh làm tăng huyết áp ở mèo đực, trong dó, cao cồn có tác dụng mạnh hơn (cao cồn tuy chiết bằng cồn nhưng khi thí nghiệm đã làm bay hết cồn)
Tác dụng trên nhu động ruột
Thí nghiệm trên chuột cống trắng, cao chiết từ cành, lá dây huỳnh làm tăng co bóp ruột, nên dây huỳnh có tác dụng gây nhuận tràng.
Tính vị, công năng
Dây huỳnh có vị nhạt, hơi đắng, tính hàn, có tác dụng nhuận tràng, tẩy. Vỏ cây, nhựa và hạt có độc.
Công dụng
- Cành lá sắc uống làm thuốc tẩy, trị sốt, sốt rét, tê thấp. Lá hãm uống tẩy và chữa bệnh táo bón dai dẳng sau khi bị nhiễm độc chì. Thuốc hãm của lá tẩy nhẹ; với liều cao, nó gây xổ và gây nôn. Nhựa mủ là một loại thuốc tẩy nhưng ít được dùng hơn. Nó gây xổ ở liều 8-10 giọt trong một poxio phù hợp; với liều cao hơn sẽ là chất tẩy mạnh.
- Ở Trung Quốc, có nơi người ta dùng toàn cây làm thuốc chữa ghẻ ngứa, sát trùng, diệt bọ gậy.