Cà cuống
Tên tiếng Việt: Cà cuống, Sâu quế, Đà cuống
Tên khoa học: Belostoma indicum Lep. et Serville
Họ: Belostomatidae
Công dụng: Dùng với liều nhỏ thì có tác dụng kích thích thần kinh và hưng phấn bộ phận sinh dục, nhưng dùng với liều cao có thể gây ngộ độc.
Hình ảnh cà cuống
- Còn gọi là sâu quế, đà cuống.
- Tên khoa học Belostoma indicum Lep. et Serville (Lethocerus indicus Lep. et Serville).
Mô tả con vật
- Cà cuống là một loại côn trùng khi non gần giống như con dán, mình dài 7-8cm, rộng 3cm, màu nâu xám, có nhiều vạch đen, đầu nhỏ, với hai mắt tròn và to, miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn. Ngực dài bằng 1/3 thân, có 6 chân dài, khỏe. Bụng vàng nhạt, có lông mịn, ở phía trên có một bộ cánh mỏng nửa mềm nửa cứng.
- Khi mổ cà cuống, ta sẽ thấy cà cuống có một bộ máy tiêu hóa dài khoảng 45cm, gồm một ống đầu trên nhỏ là cuống họng, đầu dưới phình to chứa một thứ nước có mùi hôi. Sát ngay bầu chứa nước này là 2 ngòi nhọn mà con cà cuống có thể thò ra thụt vào được. Nếu lấy tay rút mạnh ngòi này thì cả bộ tiêu hóa của cà cuống có thể bị lòi ra ngoài. Ở dưới ngực, ngay gần phía lưng có hai ống nhỏ gọi là bọng cà cuống. Mỗi bọng dài 2-3cm, rộng 2-3mm, màu trắng, trong chứa một chất lỏng thơm, đó chính là tinh dầu cà cuống. Nhưng chỉ có con đực mới có tuyến này phát triển.
Phân bố, thu bắt và chế biến
- Cà cuống sinh sống ở dưới nước, tại các ruộng sâu, hồ ao, sông lạch. Khi cà cuống đậu ở dưới nước, thường bám vào một cây cỏ, đầu chúc xuống, đuôi chổng lên, để thò lên mặt nước cái đuôi, tức là một bộ phận có thể hút được khí trời cần cho sự hô hấp và bơi lội của cà cuống. Nằm như vậy cà cuống cũng ở thể đợi mồi.
- Cà cuống sống bằng trứng cá và các loài nhuyễn thể. Mùa cà cuống vào tháng 10 âm lịch sau vụ gặt lúa mùa ở các đồng ruộng, hồ ao. Tháng 7-8, ban đêm cà cuống thường bay vào nơi đèn sáng.
- Cà cuống có cả ở miền Nam và miền Bắc nước ta, nhưng nhiều nhất trước đây là ở miền Bắc do cà cuống ưa khí hậu nóng nực nhưng lại có mùa rét. Những năm gần đây phải chăng vì dùng quá nhiều loại thuốc trừ sâu mà số cà cuống giảm sút hẳn.
- Muốn lấy dầu cà cuống, người ta úp bụng cà cuống xuống phía dưới để phía lưng lên, lấy một que tre đầu vót nhọn, đem rạch ngang lưng nơi tiếp giáp với ngực, nghĩa là ở vị trí đôi chân thứ ba, sau đó gập bụng cà cuống xuống, tức khắc hai cái bọng dầu cà cuống sẽ lòi lên phía trên. Lấy đầu tre nhọn khều hai cái bọng này ra, dùng ngón tay khẽ bỏ bọng này vào bát hay chén. Khi được nhiều bọng, sẽ chích bọng cho dầu thoát ra khỏi bọng, vỏ bọng sẽ được loại bỏ đi, nếu không loại bỏ, để lâu dầu cà cuống sẽ có mùi hôi.
- Tinh dầu cà cuống là một chất lỏng trong như nước lọc. Để ngoài không khí rất dễ bay hơi do đó dầu cà cuống cần đựng trong lọ nhỏ, nút kín. Tùy theo con to nhỏ, tinh dầu nhiều ít. Trung bình một con cho 0,02ml, 1.000 con đực mới thu được chừng 20ml. Sau khi lấy bọng dầu đi rồi, cà cuống còn lại đem bỏ cánh, bỏ chân rồi cho vào nồi hấp cách thủy mà ăn. Cũng có thể xào với mỡ mà ăn. Có người dùng làm nhân bánh chưng.
Thành phần hóa học
- Năm 1957, với 3ml tinh dầu cà cuống Adolf Butenandt và Nguyễn Đăng Tâm đã nghiên cứu thấy tinh dầu cà cuống tan trong mỡ, độ sôi 168- 170oC, chỉ số khúc xạ n25D=1,416, tính chất không bị thay đổi khi chưng cất. Quang phổ hồng ngoại thể hiện ở 5,80µ một dải đặc hiệu của este của axit cacbonic và đã xác định chất thơm của dầu cà cuống là một hexanol axetat có công thức thô là C6H11O COCH3, cấu trúc của chất thơm này là một trans Δ 2-hexen-l –oxetal
Công dụng và liều dùng
- Đối với bản thân con cà cuống thì khi kiếm mồi cà cuống gặp cá lớn sẽ lao mình theo bám lấy, tìm chỗ huyệt châm ngòi chích tinh dầu vào, tức thì con mồi bị tê liệt, lăn kềnh ra, cà cuống cứ việc bám vào mà hút máu, hoặc khi cà cuống bị con vật khác đuổi thì sẽ phun chất tinh dầu này làm cho kẻ địch ngửi thấy mùi phải rút lui. Đến mùa sinh nở cà cuống đực tiết tinh dầu làm cho cà cuống cái ngửi thấy sẽ ngoi theo và đôi cà cuống đực cái sẽ tìm nơi yên ổn mà giao phối.
- Trên thực nghiệm, dùng với liều nhỏ thì có tác dụng kích thích thần kinh và hưng phấn bộ phận sinh dục, nhưng dùng với liều cao có thể gây ngộ độc. Trong nhân dân thường dùng dầu cà cuống với liều rất nhỏ khi ăn những thức ăn nhiều mỡ, thịt như bánh cuốn, bún thang.
- Hiện nay bên cạnh tinh dầu cà cuống thiên nhiên, người ta đã tổng hợp một số tinh dầu cà cuống nhân tạo, nhưng mùi vị không hoàn toàn giống với tinh dầu cà cuống thiên nhiên.