Cau rừng
Tên tiếng Việt: Cau rừng, Cau dại, Cau chuột ba vì, Sơn binh lang, Cau núi, Mạy làng đông (Tày), Pơ mảng (Kho)
Tên khoa học: Pinanga baviensis O.Becc
Họ: Arecaceae (Cau)
Công dụng: Thuốc lợi đại tiểu tiện, sát trùng, tiêu đờm. Chữa lỵ , viêm ruột (Vỏ quả sắc uống).
Mô tả
- Cây mọc thành bụi thưa, cao 1-3m (- 6m). Thân có nhiều vết sẹo của cuống lá đã rụng.
- Lá mọc tập trung ở ngọn. Hai lá chét ở đầu thường dính nhau như đuôi chim én. Cụm hoa buông thõng, hoa vàng nhạt.
- Quả thuôn đều, khi chín màu vàng.
- Mùa hoa quả tháng 8-11.
Nơi sống và thu hái
Cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở chân núi đá vôi hay trong thung lũng ẩm, nơi đất sâu có nhiều cây gỗ lớn, mọc xen lẫn với các loài cây bụi, dương xỉ chịu bóng khác; gặp nhiều nhất là ở Thanh Hoá, Nghệ An. Người ta thường thu hái quả già, lột lấy vỏ, phơi khô.
Bộ phận dùng
Hạt, vỏ quả – Semen et Pericarpium Pinangae.
Tính vị, công năng
Hạt cau rừng có vị chát, tính ấm có tác dụng tiêu tích, sát trùng, trừ giun sán. Vỏ quả có vị cay, tính ấm có tác dụng thông tiểu tiện, hành thủy, hạ khí.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Hạt cũng dùng trị giun sán. Vỏ quả lợi tiểu, dùng chữa lỵ và bệnh thần kinh. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc.