Cây khổ sâm cho rễ
Tên tiếng Việt: Khổ sâm, Khổ sâm Trung Quốc
Tên khoa học: Sophora flavescens Ait.
Họ: Fabaceae (Đậu)
Công dụng: Chữa lỵ, hoàng đản, sốt cao, bổ đắng, lợi tiểu, chảy máu ruột (Rễ).
Mô tả cây
Cây nhỏ cao 0,5-1,2m. Rễ hình trụ, vỏ ngoài màu vàng lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 5-10 đôi lá chét. Lá chét hình mác dài 2-4,5cm, rộng 7-16mm. Hoa mọc thành chùm dài 10- 20cm. Hoa màu vàng trắng. Quả giáp dài 5-12cm, đường kính 5-8mm, đầu có mỏ dài chứa 3-7 hạt, gần hình cầu, màu đen.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây mọc ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam.
- Hiện vị thuốc vẫn nhập của Trung Quốc. Tại Trung Quốc cây mọc ở khắp các tỉnh Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hà Bắc.
- Thu hái củ, rửa sạch, thái lát, phơi khô; hoặc đem củ tươi ngâm nước vo gạo nếp một đêm, rửa sạch, để trong 3 giờ, rồi mới thái lát, phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo.
Thành phần hóa học
- Trong rễ khổ sâm, người ta đã nghiên cứu thấy các chất như: 2,5% chất ancaloid có tên matrin C15H24N2O, sophocacpin C15H24ON2.H2O, oxymatrin C15H24ON2.H2O
- . Ngoài ra trong rễ còn có chất xytisin C11H14ON2- Trong lá khổ sâm có chứa 47mg% vitamin C. Trong hoa có 0,12% tinh dầu.
- Chất matrin được nhà bác học Nhật Bản Nagai chiết xuất từ năm 1899
- Matrin có nhiều dạng tinh thể và nhiều độ chảy khác nhau 76-870 và 840. Hơi tan trong ête, cồn, clorofooc, benzen, nước lạnh, ít tan trong ête dầu hoả, ít tan trong nước nóng hơn trong nước lạnh.
Tác dụng dược lý
- Tác dụng đối với trung khu thần kinh: Theo báo cáo của Doãn Cơ Ninh (1933) dùng matrin tiêm vào thỏ nhà thấy trung khu thần kinh bị tê liệt, đồng thời phát sinh hiện tượng co quắp (kinh loạn), cuối cùng hô hấp ngừng lại rồi chết. Nếu tiêm vào một loại ếch (thanh oa) thì trước tiên thấy hiện tượng hưng phấn, rồi sau tê liệt, vận động hô hấp chậm lại không theo quy tắc nào cả, rồi đến co quắp và chết do ngừng hô hấp. Hiện tượng co quắp này do phản xạ tủy sống tăng mạnh.
- Một tác giả Nhật Bản báo cáo tiêm matrin vào dưới da của thỏ thì liều tối thiểu gây chết đối với thỏ là 0,4g/kg thể trọng, lúc đầu gây hiện tượng co quắp mạnh, cuối cùng ngừng hô hấp và chết.
- Tác dụng lợi tiểu. Năm 1953, một tác giả Trung Quốc nghiên cứu trên thỏ và trên lâm sàng thuốc chế từ khổ sâm và chất matrin thấy những kết quả sau đây:
- Trong số 30 bệnh nhân mắc bệnh ho, dạ dày, ruột, tim và máu, uống thuốc khổ sâm thì 27 bệnh nhân thấy lợi tiểu rõ rệt (90%). Ngày uống 4g khổ sâm, bắt đầu có kết quả lợi tiểu; với liều 8g một ngày, kết quả tốt nhất; với liều 12g một ngày kết quả cũng chỉ như liều 8g. Do đó tác giả đề nghị liều 8g đối với người lớn cân nặng 45kg và có thể tính liều: 8/45 làm cơ sở đối với người khác.
- Định lượng clorua trong nước tiểu bằng phương pháp Koranyi-Ruszuyak thì thấy nước tiểu của 9 bệnh nhân có lượng clorua tăng cao.
- Dùng dung dịch matrin 0,1% và 1% tiêm vào 3 con thỏ đực lớn và 3 thỏ con sức nặng 0,935-1,31 kg (tiêm dưới da, mạch máu, màng bụng hoặc bắp thịt), thì thấy tất cả các con vật và các phương pháp tiêm khác nhau đều gây lợi tiểu rõ rệt với liều 2ml dung dịch 1% cho mỗi con, không có hiện tượng phụ khó chịu nào, cũng không ảnh hưởng gì đến sự lớn của thỏ con. Tác giả còn căn cứ trên thí nghiệm, ấn định liều cho người lớn là 0,45g, dùng dưới dạng dung dịch 10% tiêm một lần 5ml.
Tiếc rằng trong bản báo cáo, tác giả không cho biết lượng nước uống hàng ngày của bệnh nhân và con vật.
- Tác dụng đối với huyết áp. Vẫn theo tác giả nói trên, khi bệnh nhân uống nước sắc khổ sâm, huyết áp thay đổi trong phạm vi giới hạn thay đổi sinh lý do đó ông cho rằng khổ sâm không có tác dụng bổ tim, cũng không có tác dụng tăng hoặc giảm huyết áp.
- Tác dụng đối với dạ dày và ruột. Khổ sâm là một vị thuốc bổ đắng.
Công dụng và liều dùng
- Khổ sâm là một vị thuốc bổ đắng, thuốc lợi tiểu tiện.
- Ngoài ra còn công dụng chữa lỵ, sốt quá hoá điên cuồng, còn dùng chữa giun và ký sinh của súc vật, sắc nước rửa mụn nhọt, lở loét. Ngày dùng 12g dưới dạng thuốc sắc, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Đơn thuốc có khổ sâm
- Chữa sốt quá hoá điên cuồng: Khổ sâm tán bột, thêm mật vào viên thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên. Dùng nước sắc bạc hà làm thang chiêu thuốc.
- Thuốc chữa lỵ: Khổ sâm sao vàng tán nhỏ. Ngày uống 3 lần, chữa lỵ ra máu.