10 November 2022

0 bình luận

Cây Mần tưới

10 November 2022

Tác giả: thuc


0
(0)

Cây Mần tưới

Tên tiếng Việt: Mần tưới, Trạch lan, Lan thảo, Co phất phứ (Thái)

Tên khoa học: Eupatorium fortunei Turcz

Họ: Asteraceae (Cúc)

Công dụng: Khó tiêu, điều kinh, đàn bà đẻ bị đau bụng do ứ huyết, phù thũng, choáng váng hoa mắt, chấn thương, mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, giải nhiệt (cả cây sắc uống).

 

 

Mô tả cây

  • Mần tưới là một loại cỏ cao tới 1m, trung bình 50cm, cành phân nhánh nhiều, thân và cành nhẵn màu hơi tím, trên có những rãnh chạy dọc.
  • Lá mọc đối, phiến lá hẹp, mép có răng cưa to và nông, dài 8-10cm, rộng 1,5-2cm, gân chính nổi rõ, nhiều gân phụ phân nhánh, phiến lá có màu hơi tím.
  • Hoa mọc ở đầu cành hay kẽ lá thành xim hai ngả. Lá bắc nhỏ, hoa mùa tím hồng, tràng hoa loe dần về phía đầu, mào hoa dài 3mm, bao phấn không có tai ở gốc.Cuống hoa có nhiều lông ngắn.
  • Quả bế màu đen nhạt 5 cạnh.
  • Mùa hoa ở miền Bắc: tháng 4-5.

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở nước ta. Thường trồng làm hàng rào, hai bên đường vườn hoa, đường đi.

Cách trồng rất đơn giản: Cắt cành thành từng đoạn dài 20-30cm, cắm xuống đất, hơi nghiêng, để hai hay ba đốt chìm dưới đất, sau 5-10 ngày là cây bén rễ và sống. Một-hai tháng sau cây đã tốt, thường khi đó người ta dùng dao hay kéo cắt xén cho phẳng đẹp.

Bộ phận sử dụng

Thân và lá. Người ta hái thân và lá hoặc nhổ toàn cây, dùng tươi hay phơi khô trong mát dùng dần.

Thành phần hoá học

Tinh dầu chứa camphen, longifolen, caryphylen, caren, pinen.

Tính vị, công năng

Mần tưới có vị đắng, mùi thơm, tính hơi ấm, vào kinh can, tỳ, có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, lợi tiểu, tiêu thũng, sát trùng.

Công dụng và liều dùng

Mần tưới là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm nhân dân: Thường nhân dân dùng để trừ bọ gà, mạt gà, bọ chét, hay rệp mọt, chấy rận.

Dùng trong một số vùng dùng mần tưới ăn như một gia vị: Ngọn mần tưới non hái về rửa sạch ăn sống như rau thơm, hoặc mầu tưới băm nhỏ đúc dồi chó, dồi lợn.

Nhân dân Trung quốc dùng mần tưới uống làm thuốc lợi tiểu, bổ dạ dày, chữa sốt, điều kinh.

  • Dùng trong: uống 50-150g cây tươi dưới dạng thuốc sắc nếu dùng khô chỉ dùng 10-20g
  • Dùng ngoài không kể liều lượng

Kiêng ky: Phụ nữ băng huyết, bệnh nhân đái ra máu không dùng.

Đơn thuốc có mần tưới dùng trong nhân dân:

  1. Chống mọt đậu xanh, đậu đen, cau khô: Cho mần tưới vào hũ đựng đậu hay hũ đựng cau.
  2. Chống mạt gà, bọ chét, bọ chó: Hái cả cành cho vào ổ chó hay ổ gà sau khi đã dọn sạch phân rác cũ, cứ 3-4 ngày thay một lần cho đến khi hết.
  3. Trừ rếp: Hái cành mần tưới trải xuống dưới chiếu hay cho xuống gầm giường.
  4. Chữa sốt, giúp sự tiêu hóa: Mần tưới khô 20g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 2 lần trong ngày và 15 phút trước khi 2 bữa ăn chính.
  5. Chữa mụn nhọt, vết thương ứ huyết: Mần tưới, huyết giác 20g. Sắc uống, ngoài dùng mần tưới giã nát.

Chú thích:

  • Tại một số nước người ta cũng dùng một số cây thuộc chi Eupatorium làm thuốc như:
  • Eupatorium aya-pana Vent (E. triplinerve Vahl) cây cao 2-2,5m, lá hẹp, cuống ngắn mọc đối, trên có 3 gân nổi rõ, lá và cành khô có mùi thơm cumarin dùng uống thay chè (hay dùng ở nam Mỹ)
  • Eupatorium rebaudianum Bert. Cỏ ngọt Paraguay hay kaahee (Stevia rebaudiana Hemsl) lá có vị rất ngọt. Bridel và Lavielle năm 1931 đã chiết từ lá 6% một glucozit gọi là steviozit: thuỷ phân cho 3 phân tử steviol và isosteviol. Chất steviozit ngọt hơn đường 300 lần; có trong cây với tỷ lệ 12-15g trong 1kg. Tại Paraguay và Achentina người ta dùng với tên Kaahee
  • Eupatorium crenatum đường dùng ở Nam mỹ chữa rắn cắn và bò cạp cắn
  • Rễ cây Eupatorium purpureum L. (E. verticillatum Mild) được nhân dân châu Mỹ dùng làm thuốc thông tiểu

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Vui lòng để lại đánh giá của bạn nhé!

Điểm đánh giá trung bình 0 / 5. Số lượng tham gia đánh giá: 0

Hiện bài viết chưa có đánh giá nào! Bạn hãy là người đầu tiên nhé.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết liên quan

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Hoa đu đủ đực
>