Cây sậy
Tên tiếng Việt: Sậy, Sậy trúc
Tên khoa học: Arundo donax L.
Họ: Lúa (Poaceae)
Công dụng: Chữa sốt, bí tiểu tiện, trị bệnh nhiệt phát cuồng, đau răng, tiểu tiện khó; và dùng ngoài trị mụn nhọt, …
Cây sậy hay còn gọi là sậy trúc, có tên khoa học là: Arundo donax L. Ở Ấn Độ cây sậy dùng làm dịu, lợi tiểu, kích thích sự rối loạn kinh nguyệt và giảm sự tiết sữa. Ở Trung Quốc, người ta dùng thân rễ Sậy Trúc trị nhiệt bệnh phát cuồng, đau răng do phong hoả, tiểu tiện bất lợi và dùng ngoài trị mụn nhọt, sưng to bìu Dái.
Cây sậy – Arundo donax L.
Mô tả
- Cây bụi sống lâu năm, thân ngầm bò dài, có chỗ phình như củ, thân cao 2-6m, phân nhánh.
- Lá có phiến to, dài 30-60cm, rộng 2-5cm, có tai ở gốc; bẹ ngắn, có rìa lông.
- Chuỳ hoa ở ngọn, dày, cao 30-60cm, màu vàng hay tim tím, nhánh nhiều thẳng đứng hay trải ra gần như mọc vòng; bông nhỏ 1-1,2cm, mày 1cm, đài bằng mày nhỏ, 2 mày không bằng nhau không lông, nhọn; mày nhỏ dài, mày nhỏ trên bằng nửa mày nhỏ dưới, trục và cuống có tơ dài.
Bộ phận dùng
Thân, rễ và măng – Rhizoma et Plantula Arundinis.
Nơi sống và thu hái
Loài của châu Á Phi và Âu, có phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Bắc Việt Nam, Lào…
Tính vị, tác dụng
Vị đắng ngọt, tính hàn; thân rễ có tác dụng sinh tân, chỉ khái trừ phiền, thanh nhiệt lợi thuỷ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
- Ở Ấn Độ, nước sắc rễ làm dịu, lợi tiểu, kích thích sự rối loạn kinh nguyệt và giảm sự tiết sữa.
- Ở Trung Quốc, người ta dùng thân rễ Sậy Trúc trị nhiệt bệnh phát cuồng, đau răng do phong hoả, tiểu tiện bất lợi và dùng ngoài trị mụn nhọt, sưng to bìu dái. Măng Sậy núi dùng trị phế nhiệt thổ huyết, nhiệt lăm, đau răng, váng đầu.