Cây thằn lằn
Tên tiếng Việt: Cây thằn lằn, Cây ký ninh
Tên khoa học: Quassia amara L.
Họ: Simaroubaceae (Thanh thất)
Công dụng: Thuốc bổ đắng. Chữa sốt rét (Rễ, thân). Dầu hạt xoa bóp chữa thấp khớp
Mô tả:
- Cây gỗ nhỏ cao 1-3m; nhánh non, gân lá non đỏ. Lá mọc so le, kép lông chim lẻ, cuống lá không lông, có cánh rộng, mang 5 lá chét; lá chét tận cùng lớn hơn, hình trái xoan mũi giáo, nhọn ở gốc. Cụm hoa chùm mọc đứng, hoa đỏ; lá bắc nhỏ; cuống hoa 6mm; hoa dài 3cm, đài do 5 lá đài đỏ, cao 3mm; tràng vặn, cánh hoa đỏ, cao 2,5-3cm, 10 tuyến mật; 10 nhị; 5 lá noãn, 1 vòi nhụy. Quả hạch, dài 1,5cm, hình trứng, đen đen, có hạch cứng chứa một hạt hình trái xoan.
- Cây ra hoa tháng 2, có quả tháng 5-6.
Bộ phận dùng:
Gỗ – Lignum Quassiae Amarae. Có khi dùng cả rễ và vỏ.
Nơi sống và thu hái:
Gốc ở Guyan, Côlômbia và Panama, được nhập trồng làm cảnh. Gỗ, rễ, vỏ thu hái quanh năm, thường dùng tươi.
Thành phần hóa học:
Gỗ chứa một hoạt chất không có nitrogen gọi là quassin.
Tính vị, tác dụng:
Vị rất đắng có tác dụng bổ và khai vị. Tuy rất đắng nhưng lại không có tác dụng cầm ỉa chảy, chống co thắt hay thu liễm. Rễ chống sốt, bổ đắng, giúp tiêu hoá.
Hoa và lá cây Thằn lằn – Quassia amara
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Thường dùng trong trường hợp cơ thể yếu, kém năng lực. Do hoạt chất tan trong nước lã, nên phương pháp chế biến tốt nhất là ngâm, cứ 5-8g trong 1 lít nước. Với liều hợp lý, quassin phục hồi lại hoạt động của các thớ cơ của ống tiêu hoá, làm tăng sự khai vị, tiết nước tiểu, giúp bài tiết dễ. Liều dùng ít nhất là 25mg, liều cao nhất là 20g và liều bình thường có thể tới 10cg. Với liều quá cao sẽ gây nóng cuống họng, nôn, choáng và những biểu hiện ngộ độc. Rễ và vỏ được dùng trị lỵ.