Chanh trường
Tên tiếng Việt: Chanh trường, Cà xoắn, mác díp (Tày)
Tên khoa học: Solanum spirale Roxb.
Thuộc họ: Solanaceae (Cà)
Công dụng: Làm gia vị, chữa đau bụng trướng, phù thũng
Mô tả cây
- Cây nhỏ, cao 0,5-1m. Thân hơi dẹt, đôi khi hóa gỗ ở gốc, nhẵn bóng.
- Lá mọc so le, hình mác hoặc hình quả trám, gốc có phiến kéo dài đến tận cuống, đầu thuôn nhọn, mép nguyên, uốn lượn, hai mặt nhẵn; cuống lá dài 2-3cm.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm; hoa nhỏ màu trắng; đài hình chuông hoặc hình đấu, có 5 răng xẻ đến phần giữa ống, tràng 5 cánh nhọn, nhẵn; nhị 5, mở bằng đường nứt ngang.
- Quả mọng, hình cầu, nhẵn bóng, khi chín màu vàng nhạt, hạt nhiều, có góc.
- Mùa hoa: tháng 7-9, mùa quả: tháng 10-2.
Phân bố sinh thái
Chanh trường là cây thân thảo, thường mọc trên đất ẩm ở bờ rào vườn, trên các bãi hoang quanh làng, ven đường đi hoặc nương rẫy.
- Chanh trường có nguồn gốc ở châu Mỹ, phân bố rộng rãi ở 1 số vùng cận nhiệt đới hoặc nhiệt đới châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Lào và Việt Nam…
- Ở Việt Nam, chanh trường thường gặp ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang,…
Bộ phận dùng
- Lá và rễ thu hái quanh năm, dùng tươi hay sấy khô
Thành phần hóa học
- Lá chanh trường chứa 1,29% alcaloid.
- Rễ chứa các glucoalcaloid, etiolin. Ngoài ra còn có solaspiralidin.
Tác dụng dược lý
Theo tài liệu nước ngoài (Ấn Độ), rễ cây chanh trường có tác dụng gây mê, gây ngủ và lợi tiểu.
Tính vị, công năng
Chanh trường có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, kiện vị
Công dụng
Nhân dân thường dùng lá chanh trường chữa đau bụng, chướng bụng, phù thũng. Ngày dùng 6-12g lá khô dưới dạng thuốc sắc. Rễ được dùng chữa kinh nguyệt không đều với liều 10-12g/ngày, sắc nước uống.
Chanh trường ăn được, dùng làm gia vị.