Củ dó đất
Tên tiếng Việt: Củ gió đất, Cây không lá, Cu chó, Ký sinh hoàn, Củ ngọc núi, Xàcô, Tỏa dương
Tên khoa học: Balanophora fungosa Forst. et Forst.f.
Họ: Balanophoraceae
Công dụng: Chữa thiếu máu, đau bụng, nhức mỏi (cả cây).
Mô tả
- Cây thảo, nạc mềm, nom như cái nấm, màu đỏ nâu, sống một năm hay nhiều năm, ký sinh trên rễ cây khác, thường là cây gỗ lớn trong rừng sâu. Thân thoái hoá thành củ nguyên hoặc phân nhánh, có nhiều hình dạng khác nhau, sần sùi, không có lá
- Hoa đơn tính khác gốc, mọc thành cụm dày trông như cu chó. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10 – 15 cm, ở gốc có một vài lá bắc, bao hoa xẻ nhiều thuỳ (4 – 7) dày và hẹp, dài bằng nhau, nhị có bao phấn hình móng ngựa, cụm hoa cái hình thoi hoặc hình trứng, dài 2 – 3cm, không có bao hoa, trên cụm hoa có nhiều phần phụ hình chuỳ không sinh sản,
- Không có quả.
- Mùa hoa: tháng 10 – 2
Phân bố, sinh thái
Chi Balanophora Forst là dạng hình thái tương đối đặc biệt trong giới thực vật có hoa. Trên thế giới, có khoảng 20 loài, đều là những cây sống ký sinh trên rẻ của những loài thực vật có hoa khác. Chúng phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và Australia. Một số loài phân bố cả ở vùng cận nhiệt đới và ôn đới ấm.
Theo Bertel Hansel, 1973 ở khu vực Đông Dương có 8 loài và loài phụ (subspecies). Ở Việt Nam có 3 loài:
- B. laxiflora Hemsley, ở Kom Tum, Sẩm Nưa (Lào).
- B. latisepala ( Van Tieghem) Lecomte ở Ninh Thuận, Khánh Hoà, Châu Đốc. Côn Đảo, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia (Sumatra, Borneo).
- B. fungosa ở Hà Tây, Quảng Nam, Đắc Lắc, Kon Tum, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Camphuchia. (F1CL & VN. 14:50-54 (1973).
Nhìn chung, các loài củ gió đất thường chỉ phát hiện thấy trong các loại rừng kín thường xanh ẩm hoặc rừng cây lá rộng núi đá vôi. Khi chưa có hoa quả, toàn bộ thân dinh dưỡng của chúng là một hệ thống dạng sợi, ký sinh vào rễ của một số loài cây thuộc họ Moraceae, Sterculiaceae, Tiliaceae. Cây đực và cây cái thường mọc lẫn với nhau. Do khả năng phát tán hạt hạn chế, và sự phát triển của thân dưới dạng sợi, nên củ gió đất thường mọc tập trung thành từng đám gần nhau. Nơi đã phát hiện có một trong 3 loài này mọc tập trung nhất là vùng núi Bát Đại Sơn, thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, độ cao khoảng 1600 m. Hiện nay đã có 2 loài củ gió đất được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam…
Bộ phận dùng
Toàn cây.
Công dụng
Củ gió đất được nhân dân địa phương dùng làm thuốc bổ, kích thích ăn ngon miệng, chữa đau bụng, nhức mỏi chân tay, nhất là dùng cho phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy chóng lại sức. Dạng dùng thông thường là thuốc rượu. Cây hái về rửa sạch, thái mỏng sao qua, rồi ngâm rượu với tỷ lệ 1:5, trong một tháng hoặc càng lâu càng tốt. Rượu có màu đỏ sẫm, vị hơi chát, đắng. Ngày uống 2 lần vào trước bữa ăn, mỗi lần 30 ml.
Ở Malaysia, toàn cây củ gió đất được dùng làm thuốc kích dục.
Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.