Cua đồng
Tên tiếng Việt: Cua đồng, Cua, Con rốc, Điền giải
Tên khoa học: Somanniathelphusa sinensis sinensis H. Milne – Edwards
Họ: Cua đồng (Parathelphusidae)
Công dụng: Bồi dưỡng cho trẻ nhỏ cứng cáp, chóng biết đi. Chữa vết thương đụng giập, lở loét, đau nhức, chữa gãy xương, chữa bong gân, chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ, chữa hở thóp ở trẻ nhỏ.
Mô tả
Cua đồng có kích thước nhỏ hơn cua biển. Thân có mai hình vuông, cấu tạo bởi một chất sừng vôi hoá, hơi gồ lên, có vân khía lõm ở mặt trên và đường viền ở xung quanh. Hốc mắt sâu, mắt lòi ra thụt vào dễ dàng. Bụng có yếm hình tam giác (ở cua đực), hình vuông khum (ở cua cái). Đôi càng chắc, khoẻ, một to, một nhỏ. Ở cua cái, có 4 đôi chân bụng, ở cua đực chỉ có 2 đôi chân bụng biến thành chân giao cấu.
Phân bố, sinh thái
- Cua nước ngọt rất phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước châu Á khác. Tính nhút nhát, thường sống ở hang hốc các ruộng ngập nước vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Ăn giun, tôm con, tép. Tập tính di chuyển của cua đồng rất đặc biệt là bò ngang nên dân gian có câu “ngang như cua”.
- Hiện nay, nguồn cua đồng đã giảm sút đáng kể vì việc sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.
Bộ phận dùng
Cả con cua có tên thuốc trong y học cό truyền và kinh nghiệm dân gian là điền giải. Cua bắt về, rửa sạch, dùng sống. Không phải chế biến.
Thành phần hoá học
Thịt cua đồng chứa 12.3% protid, 3,3% lipid, 50-40mg% Ca, 430mg% P, 4,7mg% Fe, 0,01mg% vitamin B, 0,51mg% vitamin B, 2,1 mg% vitamin PP, 0,12 mg% vitamin B6, 125mg% cholesterol (Viện Dinh dưỡng). Ngoài ra, còn có 0,25% melatonin. Mai cua đồng có chất chitin.
Tính vị, công năng
Cua đồng có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc có tác dụng tán kết, hoạt huyết, hàn gân xương.
Công dụng
- Theo kinh nghiệm dân gian, để bồi dưỡng cho trẻ nhỏ cứng cáp, chóng biết đi, người ta dùng cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, chỉ lấy mình cua rang nhỏ lửa cho vàng và khô. Giã nhỏ, rây lấy bột mịn. Hàng ngày, dùng bột cua quấy với bột gạo cho trẻ ăn, mỗi lần 1- 2 thìa nhỏ.
- Ngoài ra, cua đồng còn được dùng trong những trường hợp sau:
- Chữa vết thương đụng giập, lở loét, đau nhức: Cua đồng (2 con) giã nát, hoà với một chén rượu trắng, đun sôi, rồi gạn uống, bã đắp vào chỗ đau (Nam dược thần hiệu).
- Chữa gãy xương: Cua đồng ướp muối đem giã nhỏ, đắp vào chỗ xương gãy, băng nẹp bằng cành dâu trong 3 ngày. Tiếp đó, lấy một nõn lá cau non giã nhuyễn với một nắm xôi hoặc cơm nếp, đắp, cứ 2 ngày thay thuốc một lần trong 4 ngày. Rồi lấy một nắm lá si, một nắm lá sở, rửa sạch, giã nát, trộn với lòng trắng trứng, đắp băng trong vòng 2 ngày. Làm như vậy 3 lần.
- Chữa bong gân: Chân cua đồng (100g), vỏ thân cây gạo (100g), lá đinh lăng (200g), giã nhỏ, trộn với bột tô mộc (50g) và bột đinh hương (20g) rồi đắp, băng lại. Mỗi ngày làm một lần.(Kinh nghiệm của Tổ Y học dân tộc Yên Thế – Bắc Giang).
- Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: Cua đồng bỏ mai, yếm, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm nước, gạn hay lọc, rồi nấu với rau rút, khoai sọ mà ăn trong ngày. Dùng 2-3 ngày.
- Chữa hở thóp ở trẻ nhỏ: Cua đồng giã nát với bạch cập, đắp cho đến khi thóp kín. Khoảng vài ngày thay thuốc một lần.
- Sách thuốc cổ còn ghi cua đồng chữa mụn nhọt, ứ huyết, lở sơn, sốt rét, vàng da. Dùng ngoài, lấy chân cua giã nhỏ, đắp và ngậm Chữa chân răng sưng đau, có mủ. Không được uống.
- Gạch ở mai cua đồng đắp chữa lở sơn (Nam dược thần hiệu).
- Ở Trung Quốc, người ta dùng cua đồng tươi nấu cháo ăn nóng để chữa trướng bụng, chứng phù tím. Cua đồng (250g) nấu canh với vỏ cây dâu (50g) lại trị bệnh viêm thận cấp. Mai cua Sao Vàng, tán bột, dùng riêng, uống mỗi lần 5- 10g với rượu nếp có tác dụng phòng tránh thai, chữa đau bụng sau khi đẻ, nếu phối hợp với vảy tê tê (10g), gai bồ kết (7 cái) tán bột, uống với rượu là thuốc chữa sưng tấy.
- Theo tài liệu nước ngoài, hai nhà nghiên cứu ở khoa động vật và vi sinh vật Trường đại học Reading (Anh) đã phát hiện trong tế bào gan cua có những hạt nhỏ li ti chứa calci phosphat mà khi tiếp xúc với dung dịch muối sẽ biến thành xương. Họ đã thí nghiệm cho những hạt này tiếp xúc với dịch cơ thể (máu) và cũng thấy có hiện tượng tương tự. Họ cũng đã thành công trong việc tổng hợp những hạt này để ứng dụng vào việc hàn xương gãy cho con người.
Ghi Chú:
- Không dùng loại cua đồng mắt đỏ, có lông ở bụng, có chấm ở lưng và có khoang ở chân (Nam dược thần hiệu).
- Không nên uống nước cua sống để tăng sức dẻo dai trong các cuộc thi đấu vật như tập quán của nhân dân ở vùng Thanh Hoá, Nghệ An, Bắc Giang hoặc chữa ngộ độc sắn, bị ngã ứ huyết như có sách đã nêu, vì cua đồng là vật trung gian nguy hiểm mang ấu trùng gây bệnh sán lá phổi.