Đa đa
Tên tiếng việt: Đa đa, Dây hải sơn, Xâm, Dây săng, Cò cưa, Loong cơ đa (Bana)
Tên khoa học: Harrisonia perforata (Blanco) Merr.
Họ: Simaroubaceae (Thanh thất)
Công dụng: Chữa kiết lỵ, ỉa chảy, đau bụng, sốt rét, đau nhức xương và điều kinh (Vỏ thân). Quả chữa mụn nhọt ở gan bàn chân. Rễ làm thuốc hạ nhiệt.
Đa đa hay còn gọi là Dây hải sơn, Xâm, Dây săng, Cò cưa, Loong cơ đa (Bana), có tên khoa học là: Harrisonia perforata (Blanco) Merr. Người ta thường dùng vỏ thân, cành lá sắc uống chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt rét. Cũng dùng chữa đau nhức xương và làm thuốc điều kinh.
Mô tả cây
- Cây nhỏ mọc trườn, gai hình chuỳ. Lá do 9-15 lá chét bất xứng không lông hay có lông ở gân, mép có răng. Cụm hoa chùm hay chuỳ. Hoa trắng; cánh hoa dài 6-8mm, có lông; 10 nhị; 1 vòi nhuỵ. Quả hạch đỏ, to 2-2,5cm, chứa 3-5 nhân.
- Ra hoa quả quanh năm.
Phân bố, sinh thái
- Loài cổ nhiệt đới, phân bố ở Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, bán đảo Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, thường gặp mọc ở rừng thưa và ven rừng già, tới độ cao 900m, ở nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên.
- Đa đa thuộc loại cây bụi mọc dưa, ưa sáng và có thể chịu được hạn, thường mọc thành quần thể lớn ở các loại rừng thưa thứ sinh và bờ nương rẫy. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, cây con mọc từ hạt quanh cây mẹ nhiều. Do thân cành có nhiều gai nên đa đa còn được trồng làm hàng rào bờ nương rẫy. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
Bộ phận dùng
- Rễ, vỏ thân, cành lá và quả.
Thành phần hoá học
- Trong lá có các limonoid (perforatin, perforatinolon và các chất khác).
Tính vị, tác dụng
- Rễ và các bộ phận có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Công dụng
- Người ta thường dùng vỏ thân, cành lá sắc uống chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt rét. Cũng dùng chữa đau nhức xương và làm thuốc điều kinh.
- Trong kháng chiến chống Mỹ, vỏ thân đa đa được cán bộ và bộ đội khu 5 dùng chữa lỵ và làm thuốc điều kinh. Xí nghiệp liên hiệp Dược tỉnh Đắc Lắc đã sản xuất viên H2 gồm đa đa và mức hoa trắng. Cách làm cụ thể như sau: Vỏ thân đa đa phơi khô 1000g, lấy 500g thái nhỏ, nấu với 2 lần nước, lọc rồi cô lại thành 0,5l cao lỏng. Lấy nốt 500g dược liệu còn lại tán nhỏ, rây bột mịn. Vỏ thân mức hoa trắng đã phơi khô 1000g cũng chế biến như trên. Trộn cao lỏng và bột mịn của hai dược liệu trên, rồi thêm bột nếp sao cho được một khối lượng đủ để sản xuất 5000 viên. Liều dùng mỗi ngày 8-10 viên.
- Ở Campuchia, người ta dùng quả để trị nhọt ở gan bàn chân. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ để chế thành dạng xi rô dùng uống trị sốt rét. Ở Thái Lan, rễ cũng dùng làm thuốc hạ sốt.