Dây mát
Tên tiếng Việt: Dây mát, Chanh leo, Chanh dây, Chùm bao trứng, Mác mát (Tày), Chi pha kỳ (Hmông), Mác nọt
Tên khoa học: Passiflora edulis Sims.
Họ: Passifloraceae (Lạc tiên)
Công dụng: Bổ dưỡng, làm cường tráng và hưng phấn, chữa đau bụng kinh và giải nhiệt (Quả).
Mô tả cây
- Dây leo. Lá có 3 thuỳ, có răng, không lông; cuống có 2 tuyến ở đỉnh; lá kèm nhọn.
- Hoa trắng hồng; cánh hoa dài 2-2,5cm; tràng phụ do 4-5 hàng sợi trắng, gốc tím; cuống nhuỵ dài 1,5cm.
- Quả mọng, to bằng quả trứng gà, 4-6 cm, màu tím; hạt nhiều có áo hạt màu cam.
- Mùa hoa quả: tháng 3-5.
Phân bố, sinh thái
- Gốc ở Brazin, được nhập trồng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên: Kontum, Gia Lai và Lâm Đồng (Đà Lạt).
- Dây mát thuộc loại cây ưa sáng và mọc nhanh, có biên độ sinh thái khá rộng và có thể trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình 15-30 độ C, lượng mưa 2000-3000mm/năm. Ở Nam Phi cây có thể trồng được ở nơi có lượng mưa 900mm/năm. Cây sống được trên nhiều loại đất, nếu được chăm bón sẽ sinh trưởng phát triển tốt hơn. Trồng được bằng hạt, sau khoảng 2 tuần, hạt nảy mầm và sau 5-6 tháng, cây có hoa quả. Cây trồng bằng cành sẽ nhanh hơn.
Bộ phận dùng
Quả, lá.
Thành phần hoá học
Dịch quả chứa các acid hữu cơ tự do; acid citric và các acid khác có liên quan chiếm khoảng 95% tổng số các acid. Trong các aminoacid tự do của dịch quả có proline.
Tính vị, công năng
Nạc quả có vị chua, ngọt; có tác dụng hưng phấn, cường tráng.
Công dụng
Ở Brazin, nạc quả được dùng như một chất kích thích và bổ. Quả được dùng ăn và chế nước giải khát. Dầu ép từ hạt ăn được, và cũng dùng để chế sơn. Ở Trung Quốc, quả được dùng cho người cơ thể suy nhược và đau bụng kinh.