Đơn buốt
Tên tiếng việt: Đơn kim , Đơn buốt, Cúc áo, Quỉ châm thảo, Zí lạy (Kho), Zrum knóc (Bana)
Tên khoa học: Bidens pilosa L
Họ: Asteraceae (Cúc)
Công dụng: Chữa đái buốt, đái dắt, viêm gan, thấp khớp, dị ứng mẩn ngứa, cảm, viêm họng, bệnh đường ruột (cả cây). Cả cây nấu nước đặc ngâm chữa trĩ ngoại rất hiệu quả.
- Còn gọi là đơn kim, quỷ tram thảo, manh tràng thảo, tử tô hoang, cúc áo.
- Tên khoa học Bidens pilosa L.
- Thuộc họ Cúc Asteraceae
Mô tả cây
- Đơn buốt là một loại cỏ mọc hằng năm, thân cao 0,4-1m. Thân và cành đều có những rãnh chạy dọc, có lông. Lá mọc đối, cuống dài, phiến lá kép gồm 3 lá chét.
- Lá chét hình mác phía đáy hơi tròn, cuống ngắn, mép lá chét có răng cưa to thô. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, mọc ở nách lá hay đầu cành, mọc đơn độc hay từng đôi một. Quả bế hình thoi, 3 cạnh, không đều, dài 1cm, trên có rãnh chạy dọc
Phân bố, thu hái, chế biến
- Mọc hoang ở khắp nơi tại miền Bắc, miền Trung nước ta, còn thấy mọc ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái lan, Philipin.
- Thường dùng toàn cây tươi hay phơi khô. Thường thu hái vào mùa hè, lúc cây đang ra hoa. Có nơi chỉ dùng hoa phơi khô ngâm rượu.
Thành phần hoá học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu
Công dụng và liều dùng
- Dùng ngoài, đơn buốt thường dùng nấu nước (100 đến 200g nấu với 4-5 lít nước) tắm trong trường hợp bị mẩn ngứa, bã xát kỹ lên vết mẩn. Thường chỉ dùng 1-2 lần thấy kết quả.
- Lá tươi giã nát dùng đắp lên mi mắt khi bị đau mắt. Một số nơi dùng hoa ngâm rượu (1/5) ngậm trong trường hợp bị đau răng.
- Theo kinh nghiệm của nhân dân Trung Quốc (Trung Quốc dược dụng thực vật đồ giám, 1960:146). Đơn buốt có tác dụng chữa lỵ, yết hầu, cổ họng sưng đau, nấc. Còn có tác dụng giải độc, cầm ỉa, giải nhiệt.
- Dùng ngoài chữa bọ cạp, nhện, rắn cắn. Gần đây tại Trung Quốc có kinh nghiệm dùng cây đơn buốt chữa viêm ruột thừa có kết quả. Ngày dùng uống 4 đến 16g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Chú thích:
Ngoài cây đơn buốt mô tả trên, trong nhân dân còn dùng một cây khác cũng với tên đơn buốt hay đơn kim hay qủy tram thảo (bidens bipinnata L.). Cây này chỉ khác cây trên ở chỗ lá kép gồm nhiều lá chét (trên 3), cụm hoa hình đầu thường mọc 2 hay 3, cũng màu vàng.
Cùng một công dụng và liều dùng, tại Trung Quốc cũng thấy dùng chung cả hai cây nói trên.
Cần chú ý nghiên cứu.