Hành đen
Tên tiếng Việt: Hành đen, Ô phỉ, Ráng hành đen, Cây lá dẹt
Tên khoa học: Sphaenomeris chinensis (L.) Max.
Họ: Dennstaedtiaceae ( Ráng liên sơn tròn)
Công dụng: Chữa động thai (cả cây sắc uống).
Mô tả cây
- Cây sống lâu năm, có thân rễ mọc bò, có nhiều vảy hẹp, quăn, màu nâu nhạt. Lá kép lông chim 3 lần, mọc thẳng từ thân rễ, có cuống dài 10-50cm, màu nâu; lá chét bậc một có cuống, tạo thành với trục lá một góc 45-55 độ, hình tam giác – ngọn giáo, đầu thuôn hẹp; lá chét bậc hai mọc so le, có cuống ngắn, các đoạn cuối cùng hình nêm, đầu cụt, nhẵn.
- Ổ túi bào tử ở đầu các gân của thuỳ lá, mỗi thuỳ có 1-2 ổ; bào tử có dạng mũ màu nâu.
- Mùa sinh sản: Tháng 5-10
Phân bố, sinh thái
- Hành đen là loại dương xỉ nhỏ có dáng lá dẹp, phân bố chủ yếu ở các vùng núi nhiệt đới hay cận nhiệt đới châu Á, bao gồm Trung Quốc, Lào, Việt Nam và một số nước khác vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, hành đen phân bố tương đối phổ biến ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc ở độ cao đến 2000m thuộc Lào Cai (đèo Hoàng Liên Sơn), Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nghệ An. Ở các tỉnh miền núi phía nam gặp ít hơn.
- Hành đen là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở các vách núi được tạo ra khi mở đường, ở ven rừng, bờ nương rẫy và chân đồi. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm; vào tháng 5-8; thân rễ đẻ nhánh nhiều nên thường mọc thành khóm; sinh sản bằng bào tử, cây có thể trồng được từ các cây còn nhỏ thu thập trong tự nhiên.
Bộ phận dùng
Toàn cây.
Tính vị, công năng
Hành đen có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp.
Công dụng
Hành đen được dùng chữa cảm cúm, sốt, viêm họng, ho, quai bị và lỵ. Ngày 40-80g sắc uống. Để chữa bỏng và mụn lở, toàn cây nấu nước tắm, rửa.