10 November 2022

0 bình luận

Hồi nước

10 November 2022

Tác giả: thuc


0
(0)

Hồi nước

Tên tiếng Việt: Hồi nước, Hom hồm (Thái), Hồi đất

Tên khoa học: Limnophila rugosa (Roth) Merr.

Họ: Scrophulariaceae (Hoa mõm chó)

Công dụng: Cả cây làm thuốc chữa lậu, lợi tiểu, giúp tiêu hóa. Ở Trung Quốc, dùng chữa cảm mạo, viêm họng, ho, đau dạ dày; dùng ngoài chữa mụn nhọt.

 

Mô tả

  • Cây thảo, mọc đứng, cao 30 – 60 cm. Thân ngầm mọc bò trong bùn. Thân khí sinh, hình trụ, nhẵn. Lá mọc đối, hình mác hoặc hình trứng, gốc thuôn, đầu nhọn hoặc hơi tù, dài 2,5 – 7,5 cm, rộng 1,5 – 3,5 cm, mép có răng cưa, nhẵn hoặc có lông ở gần mặt dưới. phiến lá soi lên có những chấm trong (túi tinh dầu); cuống lá dài 1,5 – 2 cm.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành đầu ngắn, hoa không cuống, màu hồng lam; đài có lông ở mặt ngoài, ống đài dài 2,5 mm, lá đài có lông dạng mi; tràng hoa hợp thành ống dài không dưới 1,3 cm, mặt ngoài có lông, họng màu vàng, chia 2 môi, môi dưới có lông.
  • Quả dài 6 mm, thuôn nhẵn; hạt có cạnh, đầu cụt.
  • Mùa ra hoa quả: tháng 4 – 6.

Phân bố, sinh thái

Chi Limnophila R. Br. gồm những loài cây thảo, phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, châu Phi và châu Đại Dương.

Hồi nước có vùng phân bố rộng rãi từ Ấn Độ, Nepal, Mianma, Nam Trung Quốc đến Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin, Tân Ghi Nê và Polynedi. Cây được dùng làm gia vị hay hương liệu.

Ở Việt Nam hồi nước phân bố rải rác khắp các tỉnh vùng núi, ở độ cao 600 – 1500 m như Hoà Bình (Đà Bắc, Mai Châu); Lạng Sơn (Bắc Sơn, Tràng Định); Cao Bằng (Quảng Hoà); Hà Giang (Vị Xuyên); Bình Định (Vĩnh Thạnh) và một vài nơi ở An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long. Cây ưa sáng hoặc hơi chịu bóng, đặc biệt ưa ẩm, thường mọc trên đất ướt, đất lầy thụt dọc theo các bờ suối hoặc xung quanh các vũng lầy trong thung lũng. Hồi nước có khả năng đẻ nhánh khỏe ở gốc và thân rễ, do đó tự nhiên cây thường mọc thành đám nhỏ. Cây ra hoa quả hàng năm; tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Trồng được bằng các cây con hoặc bằng cành.

Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hóa học

Hồi nước chứa tinh dầu và nhiều chất 5 – hydroxy – 7,8,2,4 – tetramethoxyflavon, 7 – methoxy – 5,2,4 – trihydroxyflavon (artocarpetin), acid 1 ß – hydroxy – 3 – cetoolean – 12 – en – 28 – oic (CA. 123, 1995, 79.576g).

Theo Kumar Vijay và cs, 1983, hồi nước chứa 0,10% tinh dầu trước khi ra hoa và 0,16% tinh dầu sau khi ra hoa. Tinh dầu có 7 thành phần, trong đó có 2 thành phần chính là methylchavicol và anisaldehyd với hàm lượng theo thứ tự 81,6 và 76,5% trước khi ra hoa và 14,65 và 10,8% sau khi ra hoa (CA. 100. 1983, 91 120m).

Theo Cheng Biqiang và cs, 1986, tinh dầu cây hồi nước trồng chứa trans – anethol 76,39%, estragol 21,94%, aldehyd anisic, anisylaceton, cis – anethol, humulen và α – bulnesen (CA. 105, 1986, 48806).

Hồi nước mọc ở Sơn Động (Bắc Giang) chứa 3,27% tinh dầu (tính nguyên liệu khô tuyệt đối) trong đó có 96,40% anethol (Vũ Ngọc Lộ và cs, 1988).

Công dụng

Trong y học dân gian Việt Nam, ít thấy nói đến kịnh nghiệm dùng hồi nước làm thuốc chữa bệnh. Ở Ấn Độ, hồi nước có mùi vị giống húng giổi và được dùng làm gia vị, và chất thơm cho tóc. Nước hãm lá là thuốc thông tiểu, bổ dạ dày và lợi tiêu hóa.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Vui lòng để lại đánh giá của bạn nhé!

Điểm đánh giá trung bình 0 / 5. Số lượng tham gia đánh giá: 0

Hiện bài viết chưa có đánh giá nào! Bạn hãy là người đầu tiên nhé.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết liên quan

Sâm Xuyên Đá – Loại sâm có lượng Saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên. Người dân Việt Nam còn gọi cây sâm xuyên đá là cây sâm dây, sâm phá thạch, sâm đá.

Sâm Xuyên Đá
>