Kim ngân rừng
Tên tiếng Việt: Kim ngân rừng
Tên khoa học: Lonicera bournei Hemsl.
Họ: Caprifoliaceae (Cơm cháy)
Công dụng: Dùng thay Kim ngân.
Mô tả
- Cây bụi leo. Cành hình trụ, có lông ngắn, màu vàng nhạt. Lá mọc đối, hình trái xoan – mũi mác, dài 2-7 cm, rộng 2 – 3,5 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt; gân lá và mép lá có lông.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá phía gần ngọn, gồm hai hoa; lá bắc và lá bắc con hình mác, có lông; hoa màu trắng sau vàng; đài 5 răng hình tam giác, có lông ngắn dạng mi; tràng có ống hình trụ hẹp, dài 3,5 – 4,5 cm, mang ít lông đơn hoặc lông tuyến; nhị 5, đính ở họng tràng, hơi thò ra ngoài; bầu nhẵn.
- Quả ít gặp. Mùa hoa quả : tháng 11-2.
Phân bố, sinh thái
Loài kim ngân rừng thuộc diện hiếm trên thế giới. Cây chỉ mới được phát hiện ở vùng Sầm Nưa (Lào) và Lai Châu (Việt Nam). Độ cao phân bố của cây khoảng trên 1000m. Kim ngân rừng là cây ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc trong quần hệ núi đá vôi, lẫn với một số loại cây bụi và dây leo khác. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè thu, ra hoa quả nhiều. Chưa gặp cây con mọc từ hạt. Cây bị chặt phá nhiều lần vẫn có khả năng tái sinh tốt. Có thể trồng được bằng cành. Kim ngân rừng là loài hiếm trong số các loài kim ngân hiện có ở Việt Nam. Vì thế cây đã được đưa vào Sách Đỏ từ năm 1996, để ưu tiên bảo tồn.
Bộ phận dùng
Hoa sắp nở (có lẫn một số hoa đã nở), thân và cành, phơi hoặc sấy khô.
Tính vị, công năng, công dụng
Những người làm thuốc và nhân dân vẫn cho rằng kim ngân rừng có tính vị, công năng và công dụng như kim ngân nên có thể dùng thay thế.
*Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam