Lá giang
Tên tiếng Việt: Lá giang, Dây giang, Dây cao su hồng, Lá lồm (Mường)
Tên khoa học: Aganonerion polymorphum Pierre ex Spire.
Họ: Apocynaceae (Trúc đào)
Công dụng: Chữa sỏi đường tiết niệu, viêm thận mãn, phong thấp, ăn không tiêu, trẻ em bị kinh phong (cả cây).
Mô tả
- Dây leo dài 1,5-4m, nhẵn, có ít nhựa mủ trắng.
- Lá có phiến mỏng, hình trái xoan ngọn giáo, chóp nhọn sắc, gốc hình tim hoặc tù ở gốc, mặt trên có màu sáng hơn, dài 3,5-10cm, rộng 2-5cm.
- Hoa đỏ hoặc trắng, xếp 2-5 cái một thành chùm xim ở ngọn.
- Quả gồm hai quả đại hình dải, thẳng hay cong, rẽ đôi, màu đen đen, khía rãnh dọc.
- Hạt dài 3-4mm, màu nâu, thuôn, có mào lông mềm màu hung.
Bộ phận dùng
Cành lá.
Nơi sống và thu hái
Loài đặc hữu của Việt Nam, mọc hoang ở ven rừng vùng núi trong các quần hệ thứ sinh, đồi cây bụi các tỉnh miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thường được thu hái làm rau, nấu canh chua.
Tính vị, tác dụng
Dây giang có vị chua, tính mát, được xem như có tác dụng giải nhiệt, giải khát. Thường dùng nấu canh chua ăn mát; có thể giã nát, lấy nước uống.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Có nơi dùng dây giang phối hợp với lá khoai lang giã vắt lấy nước uống chữa ngộ độc sắn mì.